Những con đường 'bị biến dạng' - Kỳ 3

TLS: Những con đường bị 'biến dạng'chính là những con đường bị chợ tự phát bao vây đến mức không còn nhận ra đó là một con đường cho người và xe lưu thông nữa. Mặc cho cơ quan chức năng ra sức chấn chỉnh bằng nhiều biện pháp, chợ tự phát vẫn mặc nhiên phát triển ở khắp mọi nơi. Không chỉ mất mỹ quan đô thị, những khu chợ này còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. PLOđiểm lại những con đường đã và đang bị "biến dạng" bởi sự tấn công của chợ tự phát.

Xem thêm Những con đường bị 'biến dạng' - Kỳ 1

Xem thêm Những con đường bị 'biến dạng' - Kỳ 2

Nhức nhối 'chợ' Hiệp Bình

Chợ luôn trong tình trạng đông ngẹt người. Ảnh: Thủy Tiên

Tại đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Chánh, đoạn nối với đường Phạm Văn Đồng, nơi đây trước kia từng được mệnh danh là điểm đen về ách tắc giao thông vào mỗi buổi sáng hay vào chiều tối giờ tan tầm. Nguyên nhân chính được xác định là do người dân sinh sống gần khu vực bày bán hàng hóa thẳng ra lòng đường.

Sau khoảng thời gian dài liên tục chấn chỉnh, khu vực này đã phần nào đi vào ổn định. Song với mật độ dân lao động, sinh viên tập trung cao thì tình trạng này đang dần quay trở lại. Mặc dù lực lượng chức năng đã chủ động kẻ vạch trên vỉa hè, tạo điều kiện cho người dân buôn bán nhưng cứ đến giờ cao điểm vào mỗi buổi sáng hay chiều tối thì việc lấn qua đường kẻ ấy hay thậm chí ngồi ra sâu mặt đường để họp chợ là chuyện thường tình.

Anh Nguyễn Sơn Nam chia sẻ "Hằng ngày mình phải đưa mấy đứa nhỏ đi học nên phải tranh thủ đi từ sớm. Nhưng do chợ này tập trung đông người nên nhiều hôm đưa con đi học bị trễ giờ. Nhiều lúc cũng đưa tình trạng ra họp tổ song rồi đâu cũng vào đó".

Chỉ một đoạn dài gần 300m nhưng không có chỗ nào hai bên đường không được tận dụng làm nơi bày bán hàng hóa. Kẻ bán, người mua chen chúc nhau khiến đường vốn đã hẹp lại càng khó lưu thông hơn.

Những con đường 'bị biến dạng' - Kỳ 3 ảnh 2

Ảnh Đức Nam

Trên đoạn đường này dù có đến hai siêu thị nhỏ vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Điểm đáng ngạc nhiên là số lượng người mua hàng tại 2 siêu thị này lại rất ít, trong khi tại chợ tự phát lại không bao giờ vắng khách.

Người dân trong khu vực, cũng như những người lưu thông qua đoạn đường này tỏ ra khá bức xúc về khu chợ. Bởi không những gây ách tắc giao thông, mà chợ tự phát này còn gây ô nhiễm khi để lại nhiều rác thải sau khi kết thúc chợ. Có nhiều người bán hàng còn tận dụng khoảng trống gần đường ray xe lửa để bỏ những hàng hư hỏng, hay những bao lớn đựng hàng hóa.

Đau đầu đường Nguyễn Xí

Một điểm nóng khác cũng diễn ra cảnh buôn bán tấp nập và bát nháo không kém là khu vực đường Nguyễn Xí quận Bình Thạnh. Đây là khu chợ tự phát, không nằm trong quy hoạch của UBND quận Bình Thạnh. Sau khi đường Phạm Văn Đồng thông xe, lượng xe lưu thông từ ngã tư Nguyễn Xí - Nơ Trang Long ra đường Phạm Văn Đồng (đi ngang khu vực chợ tự phát) rất lớn, việc buôn bán ở chợ tự phát càng khiến ùn tắc giao thông.

Ngang nhiên mang ra giữa lòng đường để bán hàng. Ảnh: Đức Nam

Mặc dù UBND Q. Bình Thạnh đã có kế hoạch mở rộng đoạn đường Nguyễn Xí (từ ngã tư Nơ Trang Long nối với đường trục bên kia đường ray xe lửa) và sẽ giải tỏa hoàn toàn chợ tự phát này. Nhưng đến nay dự án nay vẫn chưa được triển khai và người dân sinh sống gần khu vực này vẫn phải tiếp tục sống chung cùng cảnh kẹt xe cùng mùi hôi thối phát ra từ việc họp chợ.

Khi được hỏi đến vấn đề bán buôn cũng như tình hình chợ sớm muộn cũng bị dẹp bỏ, cô Út một tiểu thương nhỏ bộc bạch "Ra đây buôn bán cũng được hơn năm trời. Cũng biết việc lấn chiếm họp chợ này là phạm luật với ảnh hưởng tới giao thông nhưng vì còn gia đình con cái nên đành phải chịu. Cũng có nghe phong phanh nhưng họ cho bán được đến khi nào thì bán, đỡ đồng nào hay đồng đó”. Do đây là chợ tự phát, người dân tự thuê chỗ bán hàng chứ không phải do UBND quận chủ trương sắp xếp nên khi giải tán chợ sẽ không có hỗ trợ cho người dân đang buôn bán ở đây.

Chợ ‘công nhân’ lấn khu công nghiệp

Chợ được hình thành tại khu công nghiệp Pou Yuen trên đường số 7, phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Chợ họp mỗi ngày hai lần, buổi sáng từ 6 giờ đến 9 giờ, buổi chiều từ 16 giờ đến 18 giờ.

Đến hẹn lại lên, cảnh tượng nhốn nháo, tấp nập người mua kẻ bán vào sáng sớm và chiều tối. Đặc biệt đến giờ cao điểm giao thông khu vực này hầu như bị tê liệt. Ảnh: Hồng Phúc

Chợ này còn được dân ở đây gọi là chợ công nhân, vì chủ yếu phục vụ cho công nhân, giá cả cũng rẻ hơn, phù hợp với túi tiền người lao động.

Anh Hùng (quê Thanh Hóa), chủ xe trái cây tại KCN cho biết: “Có cầu thì có cung, nên chúng tôi lại đây bán, vừa tiết kiệm thời gian lại thuận lợi cho họ khỏi mắc công đi xa lại phù hợp túi tiền của họ… hai bên đều có lợi, vậy thôi.”
Chú Hoàng Văn Tuấn (50 tuổi, nhà ở Bình Tân), một tài xế xe tải nhỏ đang điều khiển phương tiện lưu thông qua khu vực này lắc đầu ngán ngẩm: “Để lách được khỏi đoạn đường này là nỗi ám ảnh của tôi. Đi làm về mệt, chỉ mong được về nhà nghỉ ngơi nhưng lúc nào cũng bị kẹt xe do người mua kẻ bán cứ chen chúc nhau, gần tiếng đồng hồ mới thoát khỏi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm