Những cái chết từ trên trời rơi xuống

Những công trình xây dựng càng lớn thì tiềm ẩn rủi ro càng nhiều. Đó chính là lý do mà ở mọi công trình người ta đều phải tự nhắc nhở bằng những băng rôn thật lớn “An toàn là trên hết”.

Tai bay vạ gió

Vụ sập giàn máy cẩu xảy ra vào trưa qua (18-11) tại công trình xây dựng tòa nhà Ngân hàng BIDV đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) khiến người dân vô cùng hoang mang.

Do vị trí thi công của công trình nằm sát mặt đường Lê Hồng Phong, lại không có các biện pháp an toàn nên một phần cần cẩu phía bên ngoài đường bị gãy, rơi xuống đè trúng một người đàn ông đi xe máy ngang qua. Vụ tai nạn khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Một phụ nữ đi xe đạp cũng bị thương nặng và được đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Tài xế máy cẩu bị kẹt trong cabin, phải được sự giúp sức từ bên ngoài mới thoát ra được.

Theo thông tin ban đầu, nạn nhân thiệt mạng được xác định là anh Lê Quang Bảy, SN 1966, trú tại 9/161 phố Cấm, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.

 Hiện trường chiếc cần cẩu đổ ngang ra mặt đường.

Hiện nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Theo báo cáo của đơn vị thi công, chiếc cần cẩu mới gây tai nạn vừa được kiểm định tháng 11-2015, có giá trị trong vòng một năm. Điều đáng nói là tại cuộc họp báo thông báo về vụ việc, đơn vị thi công là Công ty Xây dựng Bạch Đằng 5 - thuộc Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng đã không có mặt để trả lời các câu hỏi liên quan.

Trước đó, ngày 26-8, một chiếc cần cẩu trong công trình thi công cầu Cống Mới trên quốc lộ 91 (đoạn qua quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cũng bị đổ, đè chết ông Châu Văn Dũng (41 tuổi) khi ông này chạy xe máy ngang qua công trình.

Công nhân “lãnh đạn”

Công nhân làm việc tại công trình xây dựng đều ý thức được sự cần thiết của các quy chuẩn an toàn trong thi công, bởi họ hiểu nếu xảy ra sai sót có thể phải trả giá bằng chính tính mạng hoặc mang thương tật suốt đời.

Tháng 8 vừa qua, tại công trình xây dựng bờ kè sông Tiền trong Khu công nghiệp Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Trong lúc ép cọc bê tông bờ kè, chiếc cần cẩu nặng hàng trăm ký bất ngờ đổ sập, đè lên hai nam công nhân đang làm việc ở dưới. Vụ việc khiến công nhân Hồ Hoàng Vũ (37 tuổi, Đồng Tháp) tử vong tại chỗ. Đồng nghiệp của anh, công nhân Đinh Khắc Vương (22 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) cũng không qua khỏi.

 Tai nạn tại công trình bờ kè sông Tiền.

Hơn một tháng sau khi xảy ra vụ gãy cần cẩu tại công trường xây dựng nhà hàng tiệc cưới khách sạn Hữu Nghị (68 Trần Hưng Đạo, TP Đông Hà, Quảng Trị) các công nhân vẫn chưa hết bàng hoàng.

Sáng hôm đó (9-10), khi các công nhân đang vận hành cần cẩu có trọng tải 50 tấn nâng các thanh sắt lên cao phục vụ thi công phần mái của công trình khách sạn Hữu Nghị thì bất ngờ cần cẩu bị gãy đôi.

Vụ việc làm khối lượng lớn vật tư, vật liệu nói trên rơi xuống trúng vào người của hai công nhân đang thi công bên dưới. Tai nạn khiến anh Đoàn Phát Thành (33 tuổi, Trung Chỉ, Đông Lương, TP Đông Hà) tử vong tại chỗ, một công nhân khác nguy kịch.

Không chỉ là một mạng người

Những vụ tai nạn từ trên trời rơi xuống hậu quả nặng nề còn bởi nó có thể gây ra thương vong trên số đông. Những vụ đổ giàn giáo, sập cẩn cẩu… gây hậu quả liên đới cho cả tài sản và tính mạng của nhiều người.

Thương tâm nhất có thể kể đến trường hợp của chị Cao Tường Vân (31 tuổi) và hai con trai chị, một bé năm tuổi và một bé hai tuổi.

Sáng 5-5, trên tỉnh lộ 842 (thuộc khóm An Lợi, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), xe cần cẩu do Nguyễn Thái Huỳnh (29 tuổi) điều khiển, đang thi công cầu Hồng Ngự 2 thì phần đầu cần cẩu đổ sập xuống đường. Đúng lúc này chị Vân chở hai con đi học chạy ngang qua bị cần cẩu đổ trúng, cả ba mẹ con đều thiệt mạng.

 Hiện trường vụ tai nạn thương tâm của ba mẹ con.

Trong vụ việc này, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã đứng ra xin lỗi gia đình nạn nhân và cho biết nguyên nhân tai nạn có thể do tài xế vận hành xe cẩu chưa đúng quy trình dẫn đến sập cần trục cẩu xuống đường. "Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin lỗi gia đình nạn nhân vì trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn lao động trên địa bàn chưa chặt, để xảy ra sự việc đáng tiếc" -ông Hùng nói.

Nỗi ám ảnh đường sắt trên cao

Từ khi công trình đường sắt trên cao nội đô Hà Nội bắt đầu khởi công, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn do xây dựng khiến người dân vô cùng lo lắng. Đỉnh điểm là vụ tai nạn xảy ra cách đây một năm, khi khối cốt pha bằng sắt của đội thi công Xí nghiệp cầu 17, Tổng Công ty Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) bị đứt dây cẩu, rơi xuống đường khiến một người thiệt mạng.

Nạn nhân tử vong được xác định là anh Nguyễn Như Ngọc (SN 1981, quê Nghĩa Hưng, Nam Định) đang công tác tại Đội Tham mưu của Công an huyện Gia Lâm. Anh Ngọc đã có gia đình và hai con nhỏ, một bé bốn tuổi, một bé 14 tháng. Hai nạn nhân khác bị thương trong vụ này là một cặp vợ chồng trung niên.

 Khối dầm sắt rơi xuống đường đúng lúc người dân đi qua nên gặp nạn.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do dầm sắt bị rơi khi công nhân cẩu lên, mối hàn giữa hai thanh thép bị gãy văng xa. Thời điểm đó nhiều người dân chứng kiến thanh sắt dài 5 m bắc ngang đường rơi xuống đè chết người nên đã hoảng sợ, la hét thất thanh, bỏ xe giữa lòng đường để chạy trốn.

Đến tháng 12-2014, công trình này lại xảy ra sự cố sập giàn giáo tại tuyến thi công Cát Linh - Hà Đông khi đơn vị thi công đang tiến hành đổ bê tông nhà ga. Giàn giáo đổ sập đè bẹp một xe taxi bên trong có bốn người, may mắn không có ai thiệt mạng.

Tiếp sau đó là hàng loạt tai nạn khác như vụ rơi cọc thép dài 9 m nặng 630 kg tại công trường thi công nhà ga số 4 suýt trúng hai người đi xe máy, sập cần cẩu trước số nhà 561 và 539 Cầu Giấy đè trúng một phụ nữ đang mang thai và một thanh niên… cùng nhiều vụ “rơi sắt” khác khiến công trình này trở thành nỗi lo thường trực không chỉ của đơn vị thi công mà còn của người dân xung quanh và người đi đường khi phải chạy ngang con đường này.

Chiếc xe taxi chỉ còn là đống sắt vụn.

Những trường hợp tai nạn thảm khốc từ trên trời rơi xuống, nạn nhân thường hoàn toàn bị động do không thể đoán trước hoặc hay biết về mối nguy hiểm lơ lửng ấy. Thế nhưng nếu các đơn vị nhà thầu, thi công kiểm soát chặt hơn nữa an toàn lao động, giám định chặt chẽ máy móc và quy trình thi công, các đơn vị giám sát siết chặt hơn trong công tác kiểm tra thì chắc chắn sẽ giảm thiểu được những cái chết thương tâm như trên, giữ gìn được tài sản và bảo vệ được tính mạng con người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm