Nhiều sai phạm tại BV Chấn thương Chỉnh hình

Chiều 7-10, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, phòng Tổ chức cán bộ và Thanh tra sở này đã đến công bố kết luận thanh tra tại BV Chấn thương Chỉnh hình (CTCH) và BV Bình Dân.

Tại BV CTCH, thanh tra khẳng định có sự tráo, xén, ghép phim… và thu lợi hàng tỉ đồng mỗi năm.

Đổi phim: Chênh lệch 3,3 tỉ đồng/năm

Trước đó, Thanh tra Sở Y tế đã chọn ngẫu nhiên số phim nội trú tháng 10-2010, 10-2011, 6-2012 trong kho khoa Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA) BV CTCH và thu giữ gần 6.700 phim loại A, B, C sai kích thước và 72 phim cắt. Ngoài ra, kiểm tra ngẫu nhiên hơn 1.100 phim chụp cho bệnh nhân ngoại trú còn lưu (do bệnh nhân không mang về) trong tháng 10-2011, đoàn thanh tra ghi nhận có 444 trường hợp đổi phim A thành B.

“Việc sai kích thước phim xảy ra trong khu vực nội trú chủ yếu là việc đổi phim. Nếu áp dụng tỉ lệ sai của phim B, C vào tổng số phim sử dụng hằng năm của BV thì số tiền chênh lệch ước tính là hơn 3,3 tỉ đồng (tính trung bình 14.500 đồng/phim theo giá gốc).

Do số liệu lưu trữ không đầy đủ, một số tài liệu ghi chép ở khoa CĐHA đã bị thất lạc không rõ lý do nên đoàn thanh tra không phân tích cụ thể số tiền chênh lệch nêu trên thiệt hại thuộc về BV hay bệnh nhân nhưng chắc chắn có sự cố ý tráo đổi kích thước phim in ra gây thiệt hại cho cả BV và bệnh nhân…” - kết luận thanh tra nêu.

Nhiều sai phạm tại BV Chấn thương Chỉnh hình ảnh 1

Khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Chấn thương Chỉnh hình. Ảnh: TÙNG SƠN

Kiểm tra cụ thể phim sử dụng, thanh tra phát hiện có hiện tượng cắt, ghép phim trên tờ phim A trong khi thu tiền nhiều phim B, C. Kiểm tra ngẫu nhiên từ tháng 8 đến tháng 12-2011, thanh tra phát hiện BV thu tiền gần 153.000 phim nhưng thực tế chụp chỉ có 138.000 phim (trừ các phim bị hư, còn thừa gần 13.000 phim). Tính trung bình mỗi tháng số phim thừa quy ra tiền là gần 64 triệu đồng. Hiện thanh tra cũng chưa thể xác định số phim thừa này được chiếm dụng ra sao.

Thất thoát hơn 15.000 tờ phim

Ngoài đổi phim, cắt phim, ghép phim thì khoa CĐHA còn báo cáo số lượng phim cho các phòng chức năng luôn vượt số phim mà phòng Tài chính kế toán thu của người bệnh. Hệ quả là phòng Tài chính kế toán và khoa Dược BV cung cấp cho khoa CĐHA đúng với số lượng phim được khoa báo cáo mà không có sự đối chiếu, kiểm tra với số liệu thu thực tế. Trong ba năm 2010, 2011, 2012, BV chỉ thu tiền hơn 1,025 triệu tấm phim nhưng khoa CĐHA báo cáo là đã chụp 1,041 triệu tấm, chênh lệch khoảng 15.500 tấm phim.

Kết luận thanh tra cũng ghi nhận tại BV CTCH tỉ lệ phẫu thuật dịch vụ chiếm đến 70% và đa số được thực hiện vào những ngày làm việc trong tuần. Có chín bác sĩ tham gia phẫu thuật theo yêu cầu trong khi có lịch phân công thường trực theo quy chế BV. Thanh tra xác định trong việc phẫu thuật theo yêu cầu thì chuyện cung cấp vật tư tiêu hao ở BV có nhiều điều không đúng quy định. Cụ thể, hằng ngày đại diện các công ty cung cấp vật tư (khớp nhân tạo, đinh, vít...) mang sản phẩm đến phòng mổ để cung cấp. Những đại diện này vào tận các phòng mổ (thậm chí có trường hợp còn tham gia phụ bác sĩ), khi bác sĩ phẫu thuật yêu cầu loại dụng cụ nào thì sẽ được cung cấp luôn!

Chưa hết, tại khoa CĐHA có hiện tượng cử nhân X-quang làm kỹ thuật siêu âm, trả lời kết quả cho bệnh nhân thay cho bác sĩ siêu âm. Việc làm này sai với quy chế bệnh viện về bố trí nhân sự chuyên môn và sai với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2010.

Trong kết luận, nhiều lần Thanh tra Sở Y tế lặp lại: Một số tài liệu ghi chép đã bị thất lạc không rõ lý do, lãnh đạo khoa CĐHA không cung cấp đầy đủ; các cá nhân liên quan không thừa nhận trách nhiệm… nên thanh tra chỉ nêu hiện tượng sai phạm mà không thể quy rõ số tiền thất thoát, ai hưởng lợi hàng tỉ đồng từ sai phạm này. Vì thế, Sở Y tế đề nghị UBND TP chỉ đạo Thanh tra TP vào cuộc thanh tra toàn diện và làm rõ vấn đề thất thoát, đổi, xén, ghép phim… cùng số tiền hàng tỉ đồng chảy vào túi ai.

Lợi ích nhóm ở BV Bình Dân

Bốn năm, giám đốc bỏ túi 1,1 tỉ đồng.

Tại BV Bình Dân, thanh tra Sở Y tế chỉ rõ có lợi ích nhóm trong việc liên doanh liên kết đặt máy móc.

Cụ thể, trong việc đặt máy siêu âm trắng đen vào năm 2006, tỉ lệ phân chia là cho đối tác là 70% và 30% cho BV. Sau khi hoàn vốn, tỉ lệ này còn 60% và 40%. Thực tế, đến giữa năm 2009 đối tác đã thu hồi đủ vốn nhưng BV vẫn giữ nguyên mức 7-3 làm thất thu khoảng 135 triệu đồng.

Vẫn với cách ăn chia “hào phóng” cho đối tác như trên (tức máy hết thời gian thu hồi vốn nhưng vẫn chia 70-30), việc đặt máy siêu âm màu (2009-2014) đến thời điểm thanh tra làm thất thoát cho BV gần 500 triệu đồng. Ăn chia đặt máy X-quang kỹ thuật số (từ tháng 4-2008 đến 2013) làm BV thất thoát gần 150 triệu đồng. Nhà thuốc BV hợp tác với đối tác trong bốn năm khiến BV thất thu hơn… 1,8 tỉ đồng. Nhiều máy móc thiết bị khác như máy chụp CT, máy tán sỏi… cũng được BV “nhận” phần “bèo” về mình.

Thanh tra cũng kết luận BV Bình Dân trùm mền nhiều máy móc mua bằng tiền ngân sách gây lãng phí, thiệt hại gần 800 triệu đồng.

Thanh tra Sở Y tế nhận định việc liên doanh liên kết hầu hết các thiết bị đều không được xây dựng đề án hoặc có nhưng không đúng quy định và không có chủ trương duyệt của Sở Y tế. Chi tiền bồi dưỡng cho ban điều hành các hoạt động liên doanh liên kết không dân chủ, công khai. Tổng số tiền chi sai quy định trong bốn năm (2009 - 2012) cho nguyên giám đốc, hai phó giám đốc, hai cá nhân phòng Tài chính, Kế hoạch là gần 3 tỉ đồng. Sở Y tế đề nghị truy thu toàn bộ số tiền hơn 3 tỉ đồng, đồng thời chấn chỉnh những sai phạm.

_______________________________________

Lợi ích nhóm “bủa vây” bệnh viện

Trong một lần phỏng vấn lãnh đạo BV Chấn thương Chỉnh hình về chuyện cắt, xén, tráo phim, vị lãnh đạo này nói: Công an vào cuộc tìm cũng không ra việc tráo, ghép, xén phim.

Chưa cần đến công an, Thanh tra Sở Y tế đã chỉ ra những bất thường nhưng vẫn chưa tìm được người “làm ra các bất thường” và họ hưởng lợi gì từ chuyện này. Tuy nhiên, người dân lờ mờ nhận ra có một nhóm lợi ích nào đó đang lợi dụng kẽ hở trong quản lý để trục lợi mà Thanh tra Sở Y tế chưa thể tìm ra đó là ai? Cụ thể, ở khoa Chẩn đoán hình ảnh thì việc giao nhận phim chỉ trên sổ sách và trong từng thùng phim và khoa Chẩn đoán hình ảnh hầu như toàn quyền giao nhận; việc thu tiền chụp phim không đối chiếu với việc nhập phim, sử dụng phim; BV còn có việc nhận bán dụng cụ y tế bên ngoài được vào tận phòng mổ để giao dụng cụ, phụ mổ…

Tại BV Bình Dân, sự việc “lợi ích nhóm” kéo dài vài năm qua và Sở Y tế đã nhận nhiều đơn tố cáo. Qua thanh tra, cho thấy có nhóm lợi ích luồn lách những quy định về xã hội hóa y tế để trục lợi. Việc liên doanh, liên kết đặt máy móc BV nào cũng có nên còn nhiều góc khuất trong việc xã hội hóa này.

Kêu gọi minh bạch hóa công, tư trong bệnh viện công luôn là bài toán khó cho người quản lý khi xã hội hóa ngành này và các nhóm lợi ích vẫn quanh quẩn trong từng bệnh viện, thậm chí trong từng bộ phận khoa, phòng vẫn còn.        

TÙNG SƠN

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.