Người phụ nữ chuyên nấu cơm cho các đoàn phim Việt

Chạy xe qua những ngôi nhà tầng san sát trong làng Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội), chẳng ai nghĩ nơi đây được mệnh danh là "làng Hollywood Việt", nơi được sử dụng làm bối cảnh cho nhiều bộ phim về làng quê xưa. Nhưng lẫn bên trong các khu nhà biệt thự hiện đại là những mái nhà cổ tuyệt đẹp.

Nhà bà Hoàng Thị Yên được giới làm phim về làng quê xưa đánh giá đẹp nhất và lên phim nhiều nhất làng Tây Mỗ. Qua chiếc cổng nhỏ cong cong, làng quê yên ả hiển hiện trước mặt. Gian nhà ở và từ đường đối diện nhau, ở giữa là khoảng sân rộng. Trên sân có những cây hoa, chậu cảnh cổ và con đường kéo dài hun hút đã thấy trong nhiều bộ phim. 

Quần thể khu nhà rất độc đáo. Từ đường cao, uy nghi, cổ kính; nhà ở thấp hơn, bình dị. Từ đường là nơi hương hỏa những người đỗ đạt cao của dòng họ Nghiêm Xuân, được xây bằng kiến trúc nhà 8 mái. Nơi thờ phụng được dát vàng, và có nhiều binh khí cổ, hai bia đá khắc chữ Hán...

an5.jpg

Ngôi nhàcổ kính, êm đềm, mặc cho cuộc sống huyên náo, xô bồ bên ngoài. Ảnh: Phan Dương.

Từ năm 1998, các đoàn làm phim Việt đã về xã Tây Mỗ săn cảnh cho các bộ phim về làng quê. Nhưng mãi 3 năm sau ngôi nhà cổ của bà Yên mới được đưa lên phim Bác Cả - người sung sướng. Bộ phim quay một tháng, bối cảnh chính là từ đường của dòng họ. Bà Yên phục vụ cơm nước cho các nghệ sĩ. Sau lần đó, các đoàn phim mách nhau dù quay ở Tây Mỗ hay các làng lân cận đều nhờ bà nấu cơm. Cái duyên làm "chị nuôi" gắn với bà tự bấy giờ.

"Như những người khác trong làng 'Hollywood Việt', nhiều lần tôi cũng đóng cảnh quần chúng. Như lần diễn bà bán nước ở chùa Thầy, chỉ đường cho anh bộ đội về làng, lúc đó tôi nói: 'Vợ con mày sắp chết rồi mà giờ mày mới về à'. Lần khác tôi đóng cảnh bà già quang gánh đi chợ về gặp mấy ông lớn ở đình làng, trong phim của đạo diễn Hữu Phần", bà Yên nhớ từng chi tiết, câu nói mình từng diễn.

Bà Yên sinh năm 1952, trong một gia đình đông con ở xứ Đoài. Sau một trận cảm khi lên 5 tuổi, bà bị một cái bướu ở lưng. Vì nó mà bà không cao lớn như người thường. May sao trời phú cho năng khiếu nấu ăn nên từ nhỏ bà đã cơm nước cho gia đình. Lớn lên, bà đi dân công cho làng Mỗ, tình cờ ở trọ trong nhà dòng họ Nghiêm Xuân. Vợ chồng chủ trọ quý cái nết và tài nấu ăn đã chọn Yên làm dâu cả của gia đình.

Hạnh phúc ngắn ngủi, lấy nhau được 6 năm thì người chồng qua đời. Lúc đó ba người con Hà, Sơn, Bình còn quá nhỏ, mọi chuyện dạy dỗ đều do ông nội toàn quyền. Vài năm sau ông mất, người mẹ trẻ cũng đã ngấm gia phong của dòng họ, tự đứng lên gồng gánh nuôi dạy các con thành đạt. Hiện con gái út của bà lấy chồng ở riêng. Trong ngôi nhà của cha ông còn bà với gia đình hai người con trai cùng sinh hoạt.

anh4.jpg

Gia tộc Nghiêm Xuâncó truyền thống khuyến học và đỗ đạt cao, như cụ Nghiêm Xuân Quảng đỗ tiến sĩ năm 1895, có tên trong Văn Miếu;cụ Nghiêm Xuân Yêm, Bộtrưởng bộ Canh nông (được đặt tên một con đường ở quận Hoàng Mai)... Nhà từ đường của dòng họ do bà Yên lo hương hỏa. Ảnh: Phan Dương.

Gần 15 năm tiếp đón các đoàn làm phim, bà Yên biết khẩu vị của từng người nổi tiếng. Bà liệt kê: "Bác Bùi Huy Thuần thích ăn tóp mỡ. Bác Triệu Tuấn thích gà luộc và nước xáo bỏ hành. Đạo diễn Hữu Phần thích ăn thịt chó, đợt quay phim Gió làng Kình tôi hay nấu thịt chó cho đoàn ăn. Còn đạo diễn Khải Hưng lại thích nhất món cá kho thịt". Nụ cười rạng rỡ, ánh mắt bà sáng và đặc biệt chất giọng thân mật hơn khi nói về những người bà quý mến.

Thông thường khi các hãng phim đến quay, bà Yên phải nhờ thêm mấy người đồng niên trong xóm giúp phục vụ, song bao giờ các món ăn cũng do bà tự chế biến. Trong số đó, món cá kho thịt được đánh giá ngon nhất. Không chỉ kho ăn tại đây, một số đạo diễn, diễn viên còn xin mang về.

Năm 2006, bộ phim Đám cưới giả to nhất làng sử dụng 70 mâm cỗ. "Chị nuôi" phải huy động gần trăm người trong làng đến giúp. Bưởi ngoài vườn bị vặt hết, bổ đôi đắp lên đĩa, bên ngoài bọc xôi gấc ngụy trang. Vườn chuối sau nhà trụi lá vì làm giò lụa. Con lợn 60 kg bị đưa lên bàn cho cảnh quay chọc tiết. Sau lần quay, nó bỏ ăn vài ngày rồi chết. Hay phần 1 bộ phim Ma làng, bà Yên được đoàn phim đón lên Hòa Bình nấu cơm. Sau nửa tháng, bà không còn sức phục vụ, phải xin về giữa chừng. Đoàn phim cứ gọi điện than khổ những ngày vắng bà.

Bà bảo vẫn thấy mệt nhất là lần phục vụ đoàn phim Lời nguyền huyết ngải. Trước khi quay, 13 người đã ở đây nửa tháng trang trí cảnh. Toàn bộ đồ đạc trong nhà phải mang gửi nhờ, các con, cháu cũng phải đi sơ tán chỗ khác.

"Bộ phim quay buổi tối. Ban ngày tôi phải dọn dẹp, chuẩn bị cơm nước cho 80 người. Chiều tối đoàn đến ăn xong là bắt đầu diễn. Đêm chúng tôi lại phục vụ cháo gà, xôi, bánh cho đoàn. Nhà tôi giăng đầy mạng nhện, biến thành lò luyện thuốc. Hai buồng thành nơi hóa trang, nghỉ ngơi. Có anh diễn viên to cao lắm, mỗi khi anh ấy hết cảnh là nằm lăn ra giường, căn phòng không còn chỗ thở", bà Yên cười kể.

Sau đợt đó bà ốm nặng, sút mất 4 kg. Thế nhưng được gắn bó với các đoàn làm phim đã ăn vào máu bà, để lúc họ cần, ngôi nhà cổ mấy trăm năm lại trở thành bối cảnh, bà sẵn sàng cơm nước không nặng tiền công.

anh3.jpg

Con đường đã được sử dụng làm bối cảnh cho hàng chục bộ phim Việt. Ảnh: Phan Dương.

Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh (nổi tiếng với các chương trình Thư giãn cuối tuầntrên VTV, phim Gió làng Kình) gọi trìu mến bà chủ nhà là "u Yên". Từ thời sinh viên, anh Thịnh đã theo thầy về Tây Mỗ sản xuất bộ phim Hoa đào ngày Tết. Hơn chục năm qua, nơi đây giống như tổ ấm thứ hai, mỗi lúc vui, buồn, lúc có cảnh quay anh đều tìm đến.

"Lần đầu đến đây, tôi còn là sinh viên. Đêm đó, đoàn làm phim quay ở làng nhưng tôi hứa đi trả cát xê cho diễn viên nên phải ra Trần Quý Cáp. Lúc đó, u ra khuyên để mai, trời lạnh lắm. Không ngờ 2 tiếng sau tôi trở lại u vẫn thức. Thấy tôi mặc áo phong phanh, u rớm nước mắt bảo thương tôi mà không giúp được gì cả, rồi muốn ăn gì u sẽ nấu thật ngon", đạo diễn Thọ Thịnh bảo lúc đó cảm giác như được đón nhận tình yêu của mẹ.

Thịnh nói về u Yên đầy trân trọng: "U là người phụ nữ có ngoại hình xấu xí, còn nói sai chính tả nhưng chân chất, tình cảm. Giới đạo diễn toàn miền Bắc không ai không biết đến u Yên".

Bao nhiêu năm nay, trong nhà bà Yên vẫn treo trang trọng những bức tranh, ảnh nghệ sĩ tặng "chị nuôi". Ở một góc tường, bài thơ của nghệ sĩ kịch Ngọc Tuyết giúp khách vãng lai thêm cảm kích bà chủ nhà mến khách:

Tặng em

Em tôi nhỏ nhắn tên Yên
Nấu ăn thật khéo, vừa hiền, vừa ngoan

Nhiệt tình chẳng chút tính toan
Hàng ngày giúp đỡ các đoàn làm phim

Lòng tốt phải từ trong tim
Bây giờ hơi hiếm cố tìm may ra

Tây Mỗ có Bưởi, có Na
Có trái tim ngọt, khiến ta cần tìm.

Theo Phan Dương (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm