Một năm Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật

Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật đã quy tụ được tiếng nói của một đội ngũ trí thức trong nhiều lĩnh vực. Họ có thể là người viết bài trực tiếp hoặc xuất hiện trên mặt báo qua vai trò của một chuyên gia. Nhân kỷ niệm một năm ra mắt Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật, những cây bút, chuyên gia thân thiết đã gửi đến tòa soạn những lời tâm huyết.

Tôi đã thấy thích

Một năm Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật ảnh 1
Một nét riêng của Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật là muốn nghỉ ngơi đầu óc sau một tuần căng thẳng thì khi cầm tờ báo trên tay người ta lật ngay ra trang cuối rồi đọc dần lên trang đầu.

Thấm thoát đã một năm trôi qua và báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật (bộ mới) đã được một tuổi. Làm báo số Chủ nhật vừa dễ vừa khó. Dễ là vì cuối tuần có độ lùi của bảy ngày để thư giãn và ngẫm ngợi, để thoải mái và trầm tư. Khó lại cũng chính là ở độ lùi đó, làm sao trên trang báo cuối tuần người đọc được ngẫm ngợi một cách thư giãn và trầm tư một cách thoải mái. Vả lại, gần như tờ báo nào cũng có số cuối tuần hay Chủ nhật nên làm cách nào để tạo được cái riêng, cái khác của cái số báo ra vào ngày nghỉ của một tờ báo là việc cũng khó khăn.

Tôi đọc Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật với tinh thần chờ đợi và phấp phỏng đó. Và tôi đã thấy mình có cái để đọc, hay là số báo đã có cái để mình đọc. Mà cái tôi muốn đọc và đọc được, trên trang báo Chủ nhật là những bài về kinh tế và pháp luật, lĩnh vực tôi ít hiểu biết và chính vì thế đọc nó cho tôi những kiến thức chắc chắn. Một nét riêng của Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật là người nào muốn nghỉ ngơi đầu óc sau một tuần căng thẳng thì khi cầm tờ báo trên tay người ta lật ngay ra trang cuối rồi đọc dần lên trang đầu. Vậy là Chủ nhật có cái cho người ta coi rồi.

Tôi có niềm vui được cộng tác với số Chủ nhật bộ mới của báo ngay từ số đầu. Kể cũng đáng ngạc nhiên, ít nhất là từ phía tôi. Trước nay tôi có đọc báo Pháp Luật TP.HCM nhưng không thường xuyên, lại cũng chưa từng cộng tác bài vở. Đùng một cái, nhân một sự gặp gỡ tình cờ với nhà báo Hoàng Mạnh Hà được nghe nói về bộ mới Chủ nhật, được đề nghị mở mục, thế là tôi có mặt trên số Chủ nhật với góc của mình.

Lại nữa, thật lạ, tôi vốn hay có lỗi với các báo vì sự sai hẹn, chậm trễ bài, vậy mà góc của tôi ở số Chủ nhật tuần nào cũng đều đặn bài. Có lẽ đấy là cái duyên của tôi với Pháp Luật TP.HCM chăng. Cùng với góc văn hóa xã hội của tôi, trên số chủ nhật còn có góc của anh Đinh Văn Quế (luật) và anh Nguyễn Nguyên (thể thao), chứng tỏ báo “chịu chơi”. Tôi cám ơn báo Chủ nhật vì đã dành đất và chấp nhận cho tôi canh tác trên đất đó một cách tin cậy.

Không biết hai anh “gác góc” kia thế nào, còn tôi muốn từ tuổi lên hai, báo Pháp Luật TP.HCM số Chủ nhật có thêm những bài bình luận, phân tích sâu hơn những vấn đề xã hội, văn hóa nhức nhối trong cuộc sống hiện nay. Phần tôi, ở góc của mình, sẽ tiếp tục đi sâu vào các hiện tượng, vấn đề đó.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia:

Mỗi tuần một chuyên đề dạng đối thoại

Một năm Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật ảnh 2
Để tạo cho bạn đọc sự thích thú thì mỗi tờ báo có một phong cách khác nhau. Không nên lai hay bắt chước những tờ báo khác. Giống như đầu tư trái ngành, rồi sẽ thất bại. Những chuyên mục như chuyện thưa kiện ở tòa là thế mạnh của mình. Tuy nhiên, chuyên đề hay nói cách khác là mỗi tuần có một bài đối thoại chuyên sâu nên tiếp tục duy trì nhưng mở rộng thêm. Chẳng hạn tuần này đối thoại với chuyên gia kinh tế, tuần sau đối thoại với chuyên gia luật pháp, văn hóa, xã hội… Hay trong năm tới cũng có thể đi các vệt chuyên đề về 10 luật được ban hành. Chúng ta sẽ chọn vài nét chính, đặc thù của luật này, để xem nó tác động đến kinh tế năm 2013 ra sao cũng rất thú vị.

Nhưng quan trọng không kém đây là tờ cuối tuần nên bạn đọc cũng có thời gian để nhẩn nha hơn. Vậy có thể tăng thêm các vấn đề giải trí, xã hội để nhẹ bớt đi tính pháp chế hằng ngày. Có thể tăng mục truyện cười, văn, thơ… để thu hút một lượng bạn đọc hơn.

Một năm Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật ảnh 3

Nhà thơ PHẠM CHU SA:

Điều đặc biệt trong sự bình thường

Một năm Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật ảnh 4
Thoạt trông hình thức tờ Chủ nhật khá mỏng manh, in hai màu như số thường, khá khiêm tốn và “lạc lõng” giữa các số báo cuối tuần khác hầu hết đều in nhiều màu. Thế nhưng có điều lạ là Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật thường xuyên hết trước các báo cùng thể loại chính trị-xã hội khác trên sạp, mặc dù theo thăm dò của tôi, số ấn bản không phải là ít.

Tôi nghĩ đó là “điều đặc biệt trong hình thức bình thường” của Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật. Nhưng nếu xét về nội dung thì tờ báo đúng là có sức thu hút nhờ những bài viết khá chuyên sâu của các cây bút có nội lực. Có thể kể đến những bài viết sắc sảo về những vấn đề văn hóa nghệ thuật, có lúc khá tế nhị nhưng có khi không ngại đụng chạm của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên; những bài bình luận thể thao tuy có khi nặng nề nhưng rõ ràng là đầy tâm huyết của Nguyễn Nguyên. Đặc biệt những bài phân tích về những vụ án lạ, những câu chuyện pháp luật khá thú vị của nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế đã hóa giải những vấn đề hóc búa thành nhẹ nhàng, dễ hiểu… Hay BS Lương Lễ Hoàng và những bài viết về bệnh tật nhưng với giọng văn “tưng tửng” rất thú vị. Riêng mảng tư liệu của Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật là những bài viết có sức thu hút người đọc.

Nhà thơ ĐỖ TRUNG QUÂN:

Giải trí nhưng phải là giải trí có văn hóa

Một năm Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật ảnh 5
Vẫn mang tính thời sự nhưng Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật giải trí cao hơn. Tuy nhiên, tờ Chủ nhật không cần giải trí đơn thuần. Vấn đề ở đây, tôi mong muốn là vấn đề giải trí như thế nào để vẫn hấp dẫn bạn đọc hơn mới là quan trọng.

Giải trí có văn hóa, có trí thức. Trí thức ở đây không có nghĩa bằng cấp mà có những vấn đề như văn hóa, âm nhạc, hội họa, ăn nhậu… được mổ xẻ ở tờ Chủ nhật một cách nghiêm túc. Nghiêm túc nhưng không quá nghiêm trang. Bông đùa nhưng bình tĩnh khi nhìn lại sự kiện sau một tuần, một tháng. Ví dụ có những vấn đề của giải trí nhưng ngày thường chúng ta không có đủ thời gian để mổ xẻ thì Chủ nhật sẽ chậm rãi mổ xẻ sâu sắc hơn. Chủ nhật đi sâu vào những vấn đề văn hóa, giải trí hay các lĩnh vực nào đó còn thiếu. Và đặc biệt, tờ Chủ nhật nên dành cho các cộng tác viên có uy tín nhiều hơn nữa.

Nhà văn NGUYỄN ĐÌNH TÚ, Phó ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam:

Cần tăng các trang giải trí

Một năm Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật ảnh 6
Tờ Chủ nhật nhiều chất văn nghệ, nhẹ nhàng hơn, thiết kế trình bày thông thoáng dễ đọc hơn. Có thể sau một tuần quăng quật với các vấn đề chính trị, xã hội thì bạn đọc dường như lại cần đọc những thông tin nhẹ nhàng, thư giãn. Bởi vậy sự ra đời của Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật là một điều rất cần thiết và thành công.

Chỉ có điều hầu hết các tờ báo, khi dành cho sáng tác ít cũng phải 1,5 trang mới đáp ứng được trọn vẹn một cái truyện ngắn. Trong khi Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật lại chỉ có một trang Truyện - Ký nên dư địa còn hạn chế, điều này hạn chế cả tác phẩm. Tòa soạn nên đi sâu vào làm các chuyên đề về văn hóa, giải trí về phim, điện ảnh, văn học… làm dài kỳ thì càng tốt vì nó sẽ tạo dấu ấn và đậm đặc cho tờ báo và ra nét tờ cuối tuần hơn nữa.

Một điều khác nữa, tôi luôn cảm giác tờ Chủ nhật hơi mỏng manh, nên chăng làm sao cho thông tin dày dặn hơn. Người viết cũng phong phú hơn.

Ông TRẦN THANH HẢI, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông:

Có bánh mì thì cũng phải có hoa hồng

Một năm Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật ảnh 7
Các số chuyên đề trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật cũng có nhiều chuyên đề hấp dẫn, đặc biệt các bài phỏng vấn TS Anlan Phan rất sâu sắc và thú vị. Tuy nhiên, những bài chuyên đề chưa được nhấn mạnh ở trang bìa một của số báo. Sau khi mình đã tạo cho bạn đọc thói quen rằng số Chủ nhật sẽ có một chuyên đề đặc sắc thì trên bìa một chắc chắn phải dành đất rộng để giới thiệu chuyên đề để bạn đọc chú ý ngay khi liếc qua tờ báo.

Ngoài bài chuyên đề trên trang 4-5 ra thì các nội dung khác của báo nên nhẹ nhàng hơn. Như báo Tuổi Trẻ có trò chuyện cuối tuần, Thanh Niên có thơ để bạn đọc thư giãn. Pháp Luật TP.HCM nên chọn những truyện ngắn đặc sắc, thơ phù hợp với phân khúc đối tượng độc giả của báo hơn nữa. Giả sử độc giả của báo là những người làm nhiều ở ngành tư pháp thì những câu chuyện của mình cũng phải biết hướng đến đối tượng độc giả này. Nghĩa là số Chủ nhật có bánh mì thì cũng phải có hoa hồng. Có chuyên đề đặc sắc thì phải có những mục khác nhẹ nhàng, giải trí. Bởi thời buổi hiện nay dân có tiền, có trình độ thì lại thiếu thời gian. Một tập truyện ngắn mới ra đời, rất hay nhưng nhiều người không thể ngồi đọc hết vài trăm trang. Vậy thì mình có thể tóm tắt giới thiệu lại coi như đọc sách hay giùm bạn đọc.

Chẳng hạn mới đây trên tờ báo họ có giới thiệu lại cuốn sách Mùa hè năm Petrus của nhà văn Lê Văn Nghĩa được dư luận hết sức quan tâm. Tập truyện viết về thầy xưa bạn cũ và nền giáo dục một thời tại Sài Gòn. Tác giả đã giữ lại nhiều chi tiết có thật cũng như tên thật của các thầy cô giáo và các nhân vật nổi tiếng một thời. Sau khi phát hành, tập truyện tái bản thêm 1.500 cuốn nữa. Nhiều bạn đọc không có thời gian để đọc nhưng họ có thể đọc nếu báo giúp họ tóm lược, giới thiệu lại bằng một trang hay nửa trang báo. Và không phải tuần nào cũng có những cuốn sách hay như vậy thì mình dành để đăng truyện ngắn để xoay tua.

Ngoài ra, tôi thấy với thế mạnh của Pháp Luật TP.HCM, có thể kéo độc giả về mới mình nhiều hơn. Chẳng hạn tờ Chủ nhật kết hợp với trang điện tử cho bạn đọc đăng một vấn đề bức xúc. Các độc giả có thể tiếp tục vào để bình luận về chủ đề này. Và sau một tuần, báo sẽ mời chuyên gia luật để kết thúc câu chuyện trên báo giấy số Chủ nhật. Ví dụ một tài xế bức xúc về Nghị định 71 khi việc phạt cao quá. Các tài xế khác hay người nhà hay con em trong gia đình có người làm tài xế đưa ý kiến lên. Tại diễn đàn mình cũng đăng, vào số cuối tuần sẽ có lời giải đáp của người có trách nhiệm trên báo giấy. Và những người có trách nhiệm chắc chắn sẽ tham gia bởi đưa pháp luật đến người dân là trách nhiệm của họ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm