Miền Trung: Lũ lụt gây ngập trên diện rộng

Sáng 17-10, nước lũ ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) lên cao, nhiều nơi nước ngập sâu hơn 3 m. Người dân xã Hải Thành phải di dời lên khu vực cao.

Quảng Trị: Hải Lăng chìm trong biển nước

Đến chiều cùng ngày, huyện Hải Lăng có 8.800 hộ dân bị ngập sâu 2 m. Hồ Miếu Bà (xã Hải Sơn), mực nước vượt mức an toàn gây sạt lở nhiều đoạn của tuyến đê bao. Hầu hết đường tới các xã đều bị chia cắt. Nước lớn làm vỡ thân đập Nhà Ngói và đập Ô Vậy, làm thiệt hại 1 triệu cá giống và 12 tấn cá thịt, 680 ha hoa màu. Hiện đã có hai người chết.

Nhiều chuyến tàu qua địa phận tỉnh vẫn chưa thể lăn bánh vì nước lũ tràn qua mặt đường sắt trên 50 cm, gây sạt lở nặng tại hai đoạn Mỹ Chánh - Phò Trạch (Hải Lăng) và TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị. Gần 2.000 hành khách bị kẹt lại tại các nhà ga. Trên quốc lộ 1A, nước lũ ngập ba đoạn dài hơn 2 km gây ách tắc giao thông hàng cây số.

Quảng Bình: Gần 50.000 ngôi nhà bị ngập

Tại Quảng Bình, tính đến chiều 17-10 đã có ba người chết, một người mất tích, gần 50.000 ngôi nhà bị ngập.

Hiện nhiều đoạn trên quốc lộ 1A vẫn bị chia cắt, đặc biệt là đoạn qua xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) và xã Võ Ninh (Quảng Ninh).

Thừa Thiên-Huế: Nước sông Ô Lâu trên báo động 3

Sáng 17-10, mưa lớn tiếp tục kéo dài trên diện rộng khiến mực nước các con sông dâng cao. Các xã ven sông của huyện Phong Điền như Phong Chương, Phong Bình, Phong An, Phong Hòa đều ngập sâu.

Miền Trung: Lũ lụt gây ngập trên diện rộng ảnh 1

Chiếc xe hơi chết máy, ngập trong nước lũ. (Ảnh chụp sáng 17-10 trên đường Tôn Đức Thắng, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) Ảnh: LÊ PHI

Tính đến cuối giờ chiều, toàn tỉnh đã có hơn 10.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước lũ. Hiện tỉnh đã có một người chết do lũ cuốn và hai người bị thương nặng.

Hà Tĩnh: Cắt cầu phao qua sông

Mưa lớn làm nước lũ các sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi dâng nhanh. Các xã Ân Phú, Đức Giang, Đức Lĩnh, Đức Bồng (huyện Vũ Quang) và Phương Mỹ, Phương Điền, Hương Đô, Hòa Hải (huyện Hương Khê) bị ngập nặng. Trong đó, xã Phương Mỹ (Hương Khê) ngập nặng nhất, toàn bộ 639 hộ dân với 3.085 nhân khẩu bị cô lập.

Do nước sông Ngàn Sâu dâng cao, tỉnh đã phải cắt các cầu phao qua sông, huy động hơn 300 thuyền bè, 10 chiếc xuồng máy chở người đi sơ tán và vận chuyển lương thực cứu trợ người dân.

Đà Nẵng: Đường thành sông

Sáng 17-10, các tuyến đường trong TP đều ngập chìm trong nước. Tại quận Liên Chiểu, nước lũ tràn qua quốc lộ 1A. Tại xã Hòa Liên (Hòa Vang), phương tiện đi lại duy nhất của người dân là các loại ghe nhỏ và bè tự chế.

Trong đêm 16-10, hàng trăm người dân thôn Tân Ninh đã được sơ tán do nước lũ lên cao 2-5 m. Đến chiều 17-10, nước tại các thôn thuộc xã Hòa Liên vẫn còn ngập sâu. Hàng trăm người vẫn tập trung tìm kiếm thi thể em Nguyễn Văn Quang bị chết đuối.

Quảng Ngãi: Cứu bốn người bị lũ cuốn

Mưa lớn hoành hành trong hai ngày qua đã làm 3.257 ngôi nhà bị ngập. Ngày 17-10, huyện Mộ Đức đã di dời khẩn cấp 800 nhân khẩu ở xã Đức Hòa ra khỏi vùng nguy hiểm. Nước lũ đã tràn qua quốc lộ 1A, đoạn qua xã Đức Tân, huyện Mộ Đức và xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ gây ách tắc giao thông.

Tại một số tuyến đường vùng cao của tỉnh như Tây Trà, Sơn Tây, Sơn Hà đã xảy ra tình trạng sạt lở núi, cô lập hàng ngàn người dân.

Sạt lở, lũ lớn bao vây Quảng Nam

Tại xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành), từ tối 16-10, nước lũ dâng nhanh gây ngập toàn bộ thôn 6 với 120 hộ. Giao thông bị chia cắt hai ngày liền. Nhiều nhà dân bị nước ngập cao phải dỡ mái ngói thoát thân.

Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết: “Chiều tối 17-10, thủy điện A Vương sẽ xả lũ với lưu lượng 100 m3/giây. Việc xả lũ không thông báo rộng rãi cho người dân vì lưu lượng xả nhỏ, chưa ảnh hưởng đến hạ lưu”.

Bình Phước: Hơn 100 hộ chìm trong nước chỉ trong 30 phút

Rạng sáng 17-10, mưa lớn nên nước lũ dồn về làm tràn con đập rộng hơn 15 ha thuộc khu phố Linh Thuận, thị trấn Lộc Ninh (Bình Phước), sau đó đổ xuống hạ lưu khiến chỉ trong vòng 30 phút, hơn 100 hộ dân thuộc khu phố Ninh Phước, Ninh Phú và Ninh Thạnh bị ngập trong biển nước.

Chiều 17-10, trên cung đường sắt qua đèo Hải Vân đã có gần 10 điểm sạt lở từ Km 768 đến Km 733. Trong đó có hai điểm sạt lở nặng, gây ách tắc tuyến đường sắt Bắc-Nam. Từ tối 16-10, hai đoàn tàu SE8 và TN2 với hơn 800 hành khách từ ga Sài Gòn ra Hà Nội đã bị kẹt tại ga Kim Liên và ga Đà Nẵng. Xí nghiệp Đường sắt Hải Vân đã huy động trên 100 người khẩn trương khắc phục. Tuy nhiên, do khu vực núi Hải Vân vẫn còn mưa lớn nên ở một số điểm vừa khắc phục xong lại tiếp tục sạt lở.

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm