Miền Trung căng thẳng chờ lũ về

“Dù bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhưng vẫn còn nỗi lo lũ về, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan. Những người đã được sơ tán vẫn phải ở lại, những nơi chưa sơ tán thì tiếp tục cảnh báo”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cảnh báo khi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên trong ngày 6-10.

Phú Yên: Lo thủy điện xả lũ tràn lan

Sáng 6-10, khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên bắt đầu có mưa rất to. Nước từ thượng nguồn sông Ba (dài nhất miền Trung, có đến 12 thủy điện đang hoạt động) đổ về các thủy điện ào ạt. Lúc 9 giờ 30 cùng ngày, ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, yêu cầu Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ phải xả nước với lưu lượng 2.500 m3/giây để chuẩn bị đón lũ.

Đến 15 giờ, ông Đặng Văn Tuần, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, báo cáo lưu lượng nước về hồ đã ở mức 2.000 m3/giây và đang tiếp tục tăng nhanh. Ông Tuần đề nghị tỉnh cho Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ tăng lưu lượng xả lên 4.500 m3/giây. Tuy nhiên, ông Trúc chỉ cho nhà máy này xả 3.500 m3/giây.

“Trong lúc bão vào mà xả lũ ồ ạt thì người dân không thể nào chống đỡ. Ngày 7-10, tỉnh mới cho nhà máy xả lũ lưu lượng lớn” - ông Trúc nói. Hơn 50 cán bộ của nhà máy đang túc trực 24/24 giờ tại các điểm trọng yếu với đầy đủ phương tiện liên lạc để kịp thông báo cho người dân thời gian, lưu lượng xả lũ.

Miền Trung căng thẳng chờ lũ về ảnh 1

Từ ngày 7-10, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ sẽ tăng lưu lượng xả lũ. Các vùng hạ du có thể bị ngập nặng. Ảnh: TK

Về phía địa phương, đáng lo ngại nhất là hiện chưa có ai dự báo được tổng lưu lượng xả lũ của 12 nhà máy thủy điện trên sông Ba. “Phía trên Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ còn có đến 11 nhà máy thủy điện khác, phần lớn đều xả lũ thất thường, không báo trước nên khi đo thì lưu lượng nước về rất lớn, khác xa với những con số dự báo, số liệu tính toán. Chính vì thế, chính quyền các địa phương ở hạ du sông Ba thường bị động trong giúp dân ứng phó với lũ” - ông Trần Công Danh, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Phú Yên, nói.

Một vấn đề nữa là hầu hết các thủy điện và địa phương đều chưa chuẩn bị kịch bản ứng phó trong trường hợp xấu nhất. “Hiện chưa có phương án ứng phó nếu xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện mà chỉ mới tính đến khả năng sơ tán dân ở vùng bị ảnh hưởng cao nhất” - ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, thừa nhận.

Quảng Ngãi: Sẵn sàng di dời gần 14.000 hộ dân

Trong ngày 6-10, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã di dời 212 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao bị sạt lở núi, vùng lòng hồ thủy điện, vùng ngập lũ. Kế hoạch di dời, sơ tán 13.600 hộ trong trường hợp khẩn cấp đã được thông qua. Công tác kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn cũng cơ bản hoàn tất.

Việc đảm bảo an toàn cho các hồ đập thủy điện được tỉnh đặc biệt chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 117 hồ chứa, trong đó có 28 hồ chứa nằm trong tình trạng nguy hiểm. Các hồ chứa đã được yêu cầu hạ mực nước, đồng thời bố trí phương tiện máy móc, con người túc trực 24/24 giờ.

Làm việc tại Quảng Ngãi, Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý sau khi bão số 7 đổ bộ, Quảng Ngãi sẽ chịu ảnh hưởng nặng từ những trận lũ. Chính quyền địa phương, người dân không được chủ quan, phải sẵn sàng phương án di dời dân khỏi vùng nguy hiểm trong những ngày tới.

Quảng Nam: Chọn 13 điểm cao để di dân

Chiều 6-10, ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Phó ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), cho biết đang theo dõi sát sao đập thủy điện Sông Tranh 2. “Hiện sáu cửa xả của thủy điện Sông Tranh 2 luôn được mở. Đến thời điểm này, huyện đã xác định được 13 điểm cao để di dời khoảng 11.000 dân trong tình huống xấu nhất” - ông Thiệu cho biết.

Cũng theo ông Thiệu, vào lúc 22 giờ 13 phút tối 5-10, trên địa bàn lại xuất hiện một trận động đất khá mạnh kèm theo tiếng nổ.

Bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Chiều 6-10, bão số 7 đi vào vùng biển Bình Định, Phú Yên và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đêm cùng ngày, áp thấp đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) trong đêm 6-10 còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Các tỉnh bắc Tây Nguyên có gió giật cấp 6, cấp 7. Ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa to đến rất to.

“Đợt mưa này có khả năng kéo dài 2-3 ngày khiến lũ các sông ở khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum có khả năng lên mức báo động 2, báo động 3, có nơi trên báo động 3. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng và các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên” - ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết.

Trước nguy cơ lũ cao, Bộ Công Thương đã có công điện khẩn yêu cầu các nhà máy thủy điện miền Trung và Tây Nguyên kiểm tra kỹ hồ đập, chuẩn bị kịp thời các biện pháp ứng phó.

NHÓM PV – CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm