Lấy chồng Hàn Quốc - Bài 1: Lấy chồng theo kiểu “hên, xui”

Chuyện lấy chồng của các cô gái như một canh bạc. Hên thì có được chồng giàu, chồng thương; xui thì lấy phải chồng nghèo hoặc bị đối xử tệ bạc. Mặc dù vậy gia đình những cô gái trẻ vẫn hy vọng con gái mình sẽ được đổi đời nơi xứ người.

Pháp Luật TP.HCM đăng tải loạt bài “Cận cảnh lấy chồng Hàn Quốc” dưới góc nhìn của một người nghiên cứu Việt Nam tại Hàn Quốc.

Cô gái Việt sau khi được một người đàn ông Hàn Quốc chấm và cảm thấy người này trông cũng “được được” thì đồng ý kết hôn. Đám cưới được tổ chức liền ngay hôm sau. Cô gái gọi điện thoại về cho gia đình thông báo thuê xe lên Sài Gòn dự đám cưới trong khi cha mẹ chưa một lần biết mặt chàng rể.

Trong nhờ, đục chịu

Cù lao Tân Lộc (huyện Thốt Nốt, Cần Thơ) một thời nổi tiếng với tên gọi “đảo Đài Loan” do có quá nhiều cô gái lấy chồng xứ Đài. Những năm gần đây, ở đây lại rộ chuyện lấy chồng Hàn Quốc.

Lan, hơn 17 tuổi, học hết lớp 9, mới làm lễ đính hôn với một người Hàn Quốc và đang chờ đủ 18 tuổi để làm thủ tục kết hôn. Cha mẹ chia tay, Lan sống với mẹ và em gái bị khuyết tật. Mẹ cô quanh năm làm mướn nuôi con. Lan từng phụ việc trong một tiệm cắt tóc gần nhà. Sau đó cô lên thành phố, ở nhà người quen và định giúp việc trong tiệm may. Nhưng chưa kịp làm việc ngày nào, cô cùng mấy chị trong xóm được dẫn ra “chào đoàn” và “đậu”. Khi người chồng tương lai chọn cô, chủ đoàn đã giải thích Lan chưa đủ tuổi kết hôn và thế bằng một cô khác nhưng anh chàng Hàn Quốc cùng bố mẹ anh ta vẫn nhất mực chọn cô và chấp nhận chờ thêm vài tháng khi cô đủ tuổi sẽ làm lễ kết hôn. Mẹ Lan cười mãn nguyện: “Con Lan nói lấy chồng nước ngoài để giúp mẹ nuôi em. Thằng đó (chồng Hàn Quốc) cưới nhỏ này, nội tiền điện nó cho tui xài cả năm không hết”.

Lấy chồng Hàn Quốc - Bài 1: Lấy chồng theo kiểu “hên, xui” ảnh 1

Đính hôn của Lan với gia đình chồng người Hàn Quốc. Ảnh: NGUYỆT ANH

Ở cù lao Tân Lộc, hầu hết các bậc cha mẹ đều hãnh diện, tự hào khoe cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc của con mình ở Hàn Quốc, nhiều cô gái chưa chồng vì vậy cũng khao khát lấy tấm chồng ngoại cho bằng chị bằng em. Bà Loan có con lấy chồng Hàn Quốc so sánh: “Nhà chồng nó cho 160 triệu, tui cất cái nhà 140 triệu, còn 20 triệu đồng. Rồi sắm tủ lạnh, bộ soong nồi, bàn ủi… Chứ thằng rể Việt Nam này không mần gì hết, báo không à!”.

Ước vọng đổi đời…

Trên thực tế, phần lớn các cô muốn lấy chồng ngoại để báo hiếu cha mẹ, để khi sang Hàn Quốc có thể làm việc và gửi tiền về cho gia đình. Mong muốn làm việc để kiếm tiền có khi còn cao hơn kỳ vọng được chồng cho tiền gửi về. Do chênh lệch thu nhập giữa hai quốc gia, người chồng Hàn Quốc có vị thế kinh tế cao hơn và chi phối tài chính gia đình. Nhiều người chồng Hàn Quốc rất nghèo, quá lứa, hay khuyết tật nhưng vẫn được các cô lựa chọn. Có thể những cô gái này chưa được phía môi giới cung cấp thông tin chính xác hoặc yêu cầu của họ về người bạn đời không cao.

Trường hợp của N.T.Trang (23 tuổi), ở cù lao là một câu chuyện buồn. Người nhà của Trang cho biết em vừa học hết lớp 9, hằng ngày cùng với ba mẹ nuôi vịt nhưng bị dịch cúm gia cầm, bể nợ, cả nhà phải đi cắt lúa mướn. Trang quyết định lấy chồng Hàn Quốc để cất nhà cho cha mẹ. Sau khi kết hôn, Trang về sống với gia đình chồng. Chồng Trang dự định sau khi làm đám cưới tại Hàn Quốc sẽ mua nhà ra riêng. Nhưng không may, sau một lần đi làm vườn về nhà anh bị đột tử.

Không người thân nơi đất khách quê người, lại chưa biết tiếng Hàn nên Trang rất lo lắng. Sau khi chồng mất, mọi khoản tiền bảo hiểm, tiền riêng của chồng, kể cả tiền bán tỏi, bắp… chị dâu đều giữ hết. Chị dâu còn nhất quyết không cho Trang làm bên ngoài mà để cô ở nhà làm vườn và việc lặt vặt. Một tháng sau, Trang quyết định về Việt Nam. Về tới quê nhà, Trang lại sốt sắng làm giấy chứng nhận độc thân và định tiếp tục lấy chồng Hàn Quốc. Cô dự định sang lại Hàn Quốc sẽ kiện gia đình nhà chồng để đòi quyền thừa kế.

Gần đây, báo chí rộ lên chuyện các cô gái lấy chồng Hàn Quốc như Huỳnh Mai (Kiên Giang), Kim Đồng (Cần Thơ), Thạch Thị Hoàng Ngọc (Cần Thơ) bị chồng hãm hại. Tưởng chừng những sự kiện đó sẽ gây rúng động xóm cù lao nhưng không, các ông bố, bà mẹ cho rằng những cô dâu gặp rủi ro là do “số xui” hoặc làm điều gì đó không phải nên chồng mới đối xử như vậy chứ gia đình con mình thì êm lắm.

Lấy chồng Hàn Quốc - Bài 1: Lấy chồng theo kiểu “hên, xui” ảnh 2

Người em gái bị bệnh Down (ở giữa) và Lan (thứ hai từ trái sang). Ảnh: NGUYỆT ANH

Ráo riết tìm thiếu nữ

Thủ tục kết hôn ở Hàn Quốc khá đơn giản: người chồng Hàn Quốc chỉ phải nộp những giấy tờ liên quan đến tình trạng nhân thân của cô dâu cho tòa án ở Hàn Quốc để đăng ký kết hôn. Sau đó, anh ta gửi giấy chứng nhận kết hôn về Việt Nam để cô dâu làm thủ tục ghi chú kết hôn ở Sở Tư pháp địa phương. Tiếp đó, cô dâu Việt chỉ cần xin visa nhập cảnh Hàn Quốc theo diện kết hôn với công dân Hàn Quốc.

Trước đây, đàn ông Đài Loan đến Việt Nam để chọn vợ và các cô hầu như chỉ biết gật đầu thì bây giờ các cô gái Việt Nam đã được quyền chọn chồng. Nếu chưa thực sự ưng ý với người đã “chấm” mình, các cô có thể chờ đến đợt “chào đoàn” sau. Khi xưa, những anh chàng Đài nhất mực đòi vợ mình phải còn trinh thì nay các cô gái lỡ đánh mất “cái ngàn vàng” vẫn có nhiều cơ hội lấy chồng Hàn Quốc. Đàn ông Hàn Quốc vẫn đặc biệt thích lấy vợ Việt Nam do môi giới quảng cáo phụ nữ Việt Nam có thân hình đẹp, chịu thương chịu khó, chiều chồng và sinh ra những đứa con không mấy khác biệt với những đứa trẻ thuần Hàn Quốc. Anh Thanh ở ấp Tân Mỹ, cù lao Tân Lộc cho biết: “Con gái vùng này giờ đi hết rồi. Riết rồi đàn ông phải đi nơi khác kiếm vợ. Hồi đó tui còn dám to tiếng với bà xã, chứ giờ đâu dám. Lạng quạng là bả đòi ly dị, đòi lấy chồng Hàn Quốc. Xóm này có người làm vậy rồi đó!”.

Gần đây, rất nhiều báo đã liên tục có những bài viết về vấn đề phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc. Hầu hết những bài báo này phản ánh những vụ triệt phá các đường dây môi giới hôn nhân quốc tế bất hợp pháp và một số trường hợp rủi ro của cô dâu Việt. Trước tình hình trên, một số địa phương (đặc biệt là những nơi có nhiều phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc) đã tìm cách siết chặt các thủ tục đăng ký, ghi chú kết hôn hay các giấy tờ liên quan. Các ông mai, bà mối bỏ thị trường miền Tây quay sang các làng quê miền Bắc, nhiều nhất là Hải Phòng, Quảng Ninh, thậm chí vào cả gia đình những người dân tộc thiểu số.

Đài Loan khó, Hàn Quốc dễ

Khoảng năm 2004, chính quyền Đài Loan thắt chặt quy trình đăng ký kết hôn bằng cách yêu cầu các cặp Việt-Đài phải trình diện khi đăng ký kết hôn và trải qua vòng kiểm tra về ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa, hiểu biết lẫn nhau, mức độ chênh lệch tuổi và tình trạng sức khỏe. Cùng lúc đó, chính sách và luật hôn nhân Hàn Quốc nỗ lực mở ra nhiều cơ hội tìm vợ cho đàn ông nông thôn hay những người quá lứa, khó có khả năng lấy vợ người Hàn Quốc.

Nắm bắt được cơ hội ngàn vàng đó, những tổ chức và cá nhân hành nghề môi giới đã nhanh chóng chuyển sang khai thác thị trường mới. Từ năm 2004 đến 2006, số cặp hôn nhân Hàn-Việt của năm sau luôn tăng gấp đôi năm trước. Cao điểm nhất là năm 2006 với khoảng 10.130 cặp đăng ký kết hôn. Hiện nay số cô gái Việt Nam sang Hàn Quốc làm dâu mỗi năm chỉ đứng sau những cô gái Trung Quốc gốc Hàn Quốc.

NGUYỄN NỮ NGUYỆT ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm