ĐI DỌC SÔNG MÃ:

Kỳ 3: Trăm năm bản dệt Khăm Khăm

Từ thị trấn Sông Mã (huyện Sông Mã – Sơn La), sông Mã chảy về hướng tây chừng 30km đến cửa khẩu Chiềng Khương để đổ vào đất Lào. Từ đây sông Mã có tên Nậm Mã. Câu chuyện một bản làng bên bờ Nậm Mã, trăm năm với nghề dệt vải nối tiếp hành trình của dòng sông trên đất Lào.

Trước một cua quẹo lưng chừng núi trên đường từ Sốp Bâu đi Sắp Hao, nhìn xuống bờ sông là một bản nhà sàn rất đẹp, trông trù phú và cổ xưa.

Bố là Bi Bo

Kỳ 3: Trăm năm bản dệt Khăm Khăm ảnh 1

Từ người già đến các cô gái trẻ, ai cũng rành rẽ nghề dệt vải Ảnh: Trần Việt Đức

Buổi trưa. Bản vắng lặng, nghe rõ tiếng khung cửi lách cách dệt vải dưới nhà sàn. Khi chúng tôi ghé lại chụp ảnh, quay phim, các bà, các chị đang dệt niềm nở hỏi han, nhưng chúng tôi không biết gì, chỉ nói được “Việt Nam, Việt Nam”, khiến khách và chủ chỉ nhìn nhau cười. Mấy người trai tráng gùi đầy bầu bí, tay cầm những xâu bắp, họ đi nương về, tò mò ghé xem.

Đồng nghiệp Việt Đức nỗ lực “trò chuyện”, chỉ tay vào miệng đang há lớn, rồi chỉ vòng quanh mọi người, “Việt Nam, Việt Nam?...” Thế mà có người hiểu ra. Người này chạy vội một lúc rồi dẫn đến một ông già. Chỉ vào ông già anh ta cũng hô lớn, “Việt Nam, Việt Nam!” Như chìm xuồng vịn được cọc, cả ba chúng tôi xúm vô ông già hỏi đủ thứ. Ông già bối rối thấy rõ, lắp bắp một lúc chỉ nói được: “Bố là Bi Bon, bố chào các con!”

Thế là chúng tôi theo về nhà bố Bi Bon. Cho đến lúc đã ngồi bình tĩnh giữa nhà sàn uống “rượu ngâm con ong của bố”, câu chuyện vẫn cứ ngắc ngứ. Xem ra ông cụ có vẻ hiểu được những câu hỏi của chúng tôi, nhưng không trả lời được bao nhiêu. Sau một hồi tìm kiếm trong mớ sách vở lộn xộn, ông già mang ra cuốn sách mỏng Tự học tiếng Việt, vừa trò chuyện, vừa tra sách.

Đã 74 năm sống trên đời, bố Bi Bon biết được Việt Nam gần lắm, chỉ ở cuối Nậm Mã này thôi, nhưng chưa một lần nào qua đó. Cách đây 21 năm, có toán công nhân Việt Nam qua làm đường, vì mến họ vui tính, ông lân la học lóm tiếng Việt rồi mua cuốn sách mỏng này về tự học thêm, thế là có được ngoại ngữ, để hôm nay làm thông dịch cho chúng tôi.

Dệt vải thời trang

Dẫn chúng tôi một vòng quanh bản, bố Bi Bon giới thiệu với mọi người: “Các con bố đấy, từ Việt Nam sang đấy!”

Dân bản Khăm Khăm sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, trồng nếp nương, trồng bông, ngô, sắn, chăn nuôi gia súc, chủ yếu là trâu. Nhưng phụ nữ Khăm Khăm còn nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Không như phụ nữ ở những bản Lào khác, cũng giỏi nghề dệt nhưng chủ yếu là để làm đẹp cho mình, cho họ tộc nhà chồng, thì ở đây, hơn trăm năm qua, phụ nữ bản là những nghệ nhân chuyên sản xuất và cung cấp mặt hàng váy Lào “fashion” cho thị trường Sầm Nưa và cả Viêng Chăn.

Cũng là khung dệt thủ công bằng gỗ tự chế, nhưng những cô bé mười, mười hai tuổi ở bản này đã có thể dệt được những tấm váy 1,7 x 0,8m với rực rỡ màu sắc, hoa văn, không tấm nào giống tấm nào. Theo bố Bi Bon một vòng qua 74 nóc nhà, thì ít nhất dưới sàn mỗi nhà cũng có từ 1 – 4 khung dệt. Một cô bé vừa đi học vừa dệt, cũng chỉ trong ba ngày là được một tấm váy, giá hiện tại khách đặt và đến tận bản nhận là 40.000 kíp/tấm. Chúng tôi nhờ bố Bi Bon hỏi mua vài tấm về làm kỷ niệm. Ông lắc đầu: “Không bán được, vải mình dệt nhưng là của người ta mua rồi”.

Hoa đẹp Chămpa…

Kỳ 3: Trăm năm bản dệt Khăm Khăm ảnh 2

Làng dệt vải trăm năm trên đất Lào, cung cấp vải thời trang cho thị trường Viêng Chăn Ảnh: Trần Việt Đức

Chúng tôi nhận lời ăn cơm trưa tại nhà bố Bi Bon. “Chỉ có cơm thôi, không có nhiều đồ ăn. Người Lào ít ăn con thú lắm”, nói thế nhưng ông già vội vã xuống bếp cùng bà vợ lo bữa ăn. Hai vợ chồng ông già đang sống cùng vợ chồng người con cả.

Cô con dâu đi nương, các cháu đều đi học đến chiều mới về. Chỉ còn lại nhà anh con cả. Hỏi ra mới biết, anh con cả chính là trưởng bản Khăm Khăm, vì buổi sáng có cán bộ trên huyện xuống bản, nên anh không đi nương với vợ. Trưởng bản Poong Chăm đã 45 tuổi, sáu con mà trông còn rất trẻ, trắng trẻo, đẹp trai, lui cui giúp mẹ và bố làm bếp, chốc chốc lại lên nhà trên cười hiền khô.

Bữa cơm dọn ra, những thanh niên đến chơi cũng thành khách. Mấy anh thanh niên thì thào trao đổi một lúc, người thanh niên được giới thiệu là con rể ông già, tên Khăm Đen, vội chạy về nhà mang đến hũ rượu cần gần một vòng tay ôm. Ghè rượu bằng đất nung, sứt miệng, ám khói trông cũ càng. Sau khi cạy nút đậy bằng đất nhồi trấu, đổ đầy nước vào, vì là khách nhiều tuổi nhất nên tôi được bố Bi Bon mời cùng vít cần trước tiên.

Đang trong cái nắng 37 độ, dòng rượu đẫm ngọt lan toả cái mát lạnh khắp cả người. Buông cần ra, chợt thấy từ mặt người cho đến mọi vật bỗng bừng sáng lóng lánh. Cũng từng nếm qua rượu cần của người Ê Đê, Ba Na Tây Nguyên; người Mường Hoà Bình, tôi vẫn chưa thấy đâu có rượu cần ngon thế này, “hiệu quả” thế này…

Sau lần vít cần thứ ba, già Bi Bon vào buồng đem ra cây khèn. Sau một phút im lặng như nhập đồng, ông già bắt đầu thổi. Tiếng khèn làm cả cuộc vui lặng phắc, ngẩn ngơ. Mãi chiều muộn chúng tôi mới rời được bản Khăm Khăm trong lưu luyến bắt tay, vái chào những con người hồn hậu, trong trẻo và mến khách này.

Trước mặt là con sông Nậm Mã. Chúng tôi đang xuôi dòng về phía Việt Nam, về với nhà mình. Thế nhưng ra đi mà có cảm giác mình đã để lại tại bản Lào trăm năm này một cái gì đó vô hình nhưng thật đáng quý...

Theo Nguyễn Trọng Tín (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm