Không được tự chủ, nhà khoa học... than!

Thế rồi nhân dịp Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo lại dự luật khoa học-công nghệ cách đây một năm, câu chuyện đó lại được xới lên và xới lên một cách rầm rộ. Rằng nhà khoa học bây giờ khó sống lắm, đã thế thủ tục tiêu tiền đề tài còn khó hơn làm đề tài, rồi Nhà nước không cho tự chủ, nhà khoa học muốn tự làm cái này tự làm cái kia lại còn khó nữa. Cuối cùng là cái khó bó đủ thứ.

PGS-TS Phan Thị Tươi, nguyên Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, phát biểu ngày 30-11 cho rằng: “Hãy để các trường ĐH một sự tự chủ để họ tự xoay xở cùng với những khó khăn của đất nước. Đừng sợ họ tự chủ thì họ sẽ làm bậy trong khi chúng ta đã có biết bao cơ chế để kiểm tra, giám sát”.

Có thể nói rằng việc quản lý các cơ sở ĐH, các tổ chức khoa học của chúng ta hiện nay chẳng khác nào thời kỳ kinh tế bao cấp, nơi Nhà nước ôm lấy mọi thứ và chỉ huy mọi thứ. Trong khi nền kinh tế đã mở cửa, chấp nhận nhiều thành phần kinh tế bên cạnh kinh tế nhà nước thì nền khoa học vẫn chưa nhúc nhích khỏi vòng bao cấp được là bao. Được Nhà nước ôm ấp và nhỏ cho vài giọt ngân sách đủ để không chết đói, các nhà khoa học có kêu cũng không có gì là lạ.

Chuyện bà Tươi nói về nỗi lo ngại các nhà khoa học làm bậy là chuyện có thật. Cũng giống như ngày xưa người ta sợ kinh tế tư nhân thì sẽ sinh ra bóc lột, sinh ra bất bình đẳng thì ngày nay vì sợ nhà khoa học làm bậy, người ta vẫn không muốn trả lại cho họ quyền được tự do xoay xở cho chính bản thân mình. Đã có Nhà nước lo hộ rồi. Chẳng phải chúng ta từng chết dở với cái tư duy này trong thời bao cấp hay sao?

Mặt khác, sự tự chủ của nhà khoa học không phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước. Nói nhà khoa học gặp khó vì cơ chế, chính sách chỉ là một nửa vấn đề. Nửa còn lại là nhà khoa học có muốn và có khả năng tự chủ hay không. Một nhà nghiên cứu chính sách chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM rằng bi kịch đau đớn và trớ trêu của nền khoa học chúng ta là có những nhà khoa học không muốn rời khỏi cái chăn ấm của Nhà nước. Họ tình nguyện gò mình vào cái cơ chế nhiều bó buộc đó, ngày ngày đi xin và chờ được cho, vì lý do gì thì chỉ họ mới hiểu.

Câu chuyện nằm ở chỗ một nhà khoa học không cần thiết phải có chân trong một viện nghiên cứu công lập. Nếu họ tự nghiên cứu hoặc tìm đến các tổ chức khoa học tư nhân, thậm chí ngay cả các doanh nghiệp, tự tìm đề tài, tự xin tài trợ, tự nghiên cứu và tự công bố kết quả đó không phải là tự chủ hay sao? Ai cấm các nhà khoa học làm thế?

Vậy nên các nhà khoa học ơi, đừng than thở nữa!

HOÀNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm