Hiếm người phá thai nói: ‘Tôi bị hiếp dâm’

Giám sát chưa chặt và hệ lụy

Cơ quan y tế chỉ làm về chuyên môn, còn chứng minh người nào đó mang thai cùng huyết thống hay bị hiếp dâm là rất khó. Đứng ở góc độ cá nhân làm y tế, nói về phá thai xã hội còn tồn tại rất lớn, đặc biệt là vùng quê vì liên quan đến danh dự gia đình, dòng tộc. Hiện nay tỉ lệ trẻ ở Việt Nam hiểu biết về giới tính chưa cao, chưa biết các biện pháp phòng tránh thai bài bản. Bên cạnh đó, quan hệ giới tính ngày càng rộng, quan hệ trước hôn nhân ngày càng nhiều. Cho nên việc cho hay không cho phá thai trên 12 tuần tuổi bên cạnh cái lý còn có cái tình, đây là vấn đề còn thách thức.

Việc cấm phá thai sẽ làm cho việc tuân thủ luật pháp được nâng cao nhưng giám sát phá thai hiện chưa chặt chẽ. Rất nhiều hệ lụy sẽ xảy ra nếu chúng ta nêu ra cấm phá thai.

BS CKII TRẦN NGỌC HẢI, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, BV Từ Dũ

Chỉ cần căn cứ quyết định của cơ quan tố tụng

Dự thảo Luật Dân số quy định cho phép phá thai trên 12 tuần tuổi nếu chứng minh được có thai do bị hiếp dâm đã gây thắc mắc cho nhiều người: Chứng minh như thế nào, ai là người phải chứng minh... Dưới góc độ quy định của pháp luật hình sự, hành vi hiếp dâm là hành vi phạm tội và được xử lý bằng các quy định của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự. Một vụ án hiếp dâm xảy ra thì cơ quan tiến hành tố tụng mà ở đây chủ yếu là cơ quan CSĐT sẽ có trách nhiệm chứng minh tội phạm, xác định hành vi phạm tội, xác định người thực hiện hành vi phạm tội, xác định người bị hại. Như vậy, trường hợp người có thai do bị hiếp dâm không cần phải chứng minh mình bị hiếp dâm mà chỉ cần căn cứ vào các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng để cơ quan y tế xác định một người có bị hiếp dâm hay không.

Luật sư CAO QUANG THUẦN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nên xem xét từng hoàn cảnh cụ thể

Việc Nhà nước đưa ra những quy định để giảm tình trạng phá thai trong xã hội thì đối với người dân như chúng tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên, với tình hình thực tế thì rất khó để thực hiện vì mỗi trường hợp phá thai có rất nhiều lý do khác nhau. Đối với một cô gái do nhẹ dạ trót có thai, người đàn ông thì quất ngựa truy phong, trước tình thế này phải quyết định phá vì nếu một thân một mình nuôi con thì không thể nuôi nổi, rồi liệu lớn lên đứa con ấy có được hạnh phúc. Và còn rất nhiều hoàn cảnh éo le khác trong xã hội này nữa. Theo tôi, nếu đã quy định về điều kiện phá thai thì phải xem thêm từng hoàn cảnh cụ thể theo hướng làm thế nào khi đứa bé được sinh ra phải có điều kiện phát triển tốt. Bởi khi những đứa trẻ sinh ra mà cha hay mẹ không có hoặc cha mẹ nghèo không có khả năng nuôi dạy thì sau này đứa bé ấy rất dễ trở thành gánh nặng cho xã hội.

DƯƠNG THỊ NGUYỆT, Chủ tịch người cao tuổi,
hòa giải viên phường 14, quận 10 (TP.HCM)

Khó chứng minh bị hiếp

Dự thảo luật quy định với tuổi thai trên 12 tuần được phá khi mang thai do loạn luân, do bị hiếp dâm. Thực tế cho thấy khi buộc phải phá thai vì người phụ nữ không còn lựa chọn nào khác. Hiếm người đi tố cáo mình bị hiếp dâm bởi đây là chuyện tế nhị, nhạy cảm, liên quan đến uy tín, danh dự. Hơn nữa việc chứng minh bị hiếp dâm không hề dễ dàng, sẽ mất nhiều thủ tục, thời gian… nếu xong việc thì thai có thể đã quá 12 tuần. Còn nếu tự khai mình bị hiếp dâm thì có được chấp nhận, có đảm bảo sự thật?

Trước khi ban hành quy định pháp luật để thành quy ước xử sự chung cho mọi người, cơ quan quản lý cần nghiên cứu kỹ, tránh gây khó cho dân và cơ quan áp dụng pháp luật.

Chị NT (Quận 6, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm