Giả ‘điên’ để khỏi chia tài sản

Sau năm năm ly hôn, việc dầm mưa dãi nắng cuốc bộ hàng chục cây số để bán vé số mỗi ngày cũng chẳng thấm vào đâu so với nỗi cay đắng mà chị phải chịu đựng trước cư xử phũ phàng của chồng cũ, nhất là khi hai đứa con chung đang đói ăn thiếu mặc hằng ngày. Chị là Nguyễn Thị Kim Tuyền, ngụ ấp Long Vĩnh, xã Long Vĩnh, Châu Thành, Tây Ninh.

“Dám bỏ chồng” thì đừng đòi 90 triệu đồng

Cách đây gần 20 năm, chị Tuyền kết hôn với anh VHT ngụ cùng xã. Ba mẹ chồng chị cho một miếng đất gần nhà để hai vợ chồng cất nhà, tạo dựng cuộc sống riêng. Cuộc sống ban đầu khá hòa thuận, êm ấm. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn nên cất nhà, mua ruộng, sắm nhiều tiện nghi. Nhưng sau 10 năm chung sống, giữa hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn gay gắt. Hai vợ chồng ly thân một thời gian thì chị Tuyền nộp đơn xin ly hôn.

Tại tòa, chị Tuyền trình bày anh T. thường xuyên uống rượu, đánh đập vợ, đánh cả mẹ vợ, cùng những mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm, không thể hòa giải được nữa. Anh T. không đồng ý ly hôn, nói rằng nếu chị Tuyền kiên quyết ly hôn thì anh sẽ không chia tài sản.

Tòa án huyện Châu Thành đã xử chị Tuyền và anh T. ly hôn và buộc anh T. phải trả cho chị Tuyền 90 triệu đồng tiền chia tài sản chung. Chị Tuyền được quyền nuôi hai con và chị không yêu cầu cấp dưỡng.

Chị Nguyễn Thị Kim Tuyền với xấp vé số mưu sinh hằng ngày nuôi hai con. Ảnh: HM

Thời gian đầu chị Tuyền không mong đợi quyết định của tòa sẽ được thực thi vì anh T. và gia đình kiên quyết sẽ không trả tiền chia tài sản cho chị với lý do, như họ nói, là chị “dám bỏ chồng”.

Sau đó bệnh tật, tai nạn liên tiếp đổ xuống, chị Tuyền không còn sức khỏe như trước. Lúc này chị mới nghĩ đến việc đòi số tiền chia tài sản. Chị viết đơn yêu cầu thi hành án (THA).

Cứ chia tài sản là bị “điên”

Nhiều lần chi cục THA huyện mời làm việc, anh T. đều né tránh. Sau đó gia đình anh nộp đơn và giấy chứng nhận sức khỏe kết luận anh có triệu chứng tâm thần phân liệt, xin hoãn THA.

Bẵng đi một thời gian, anh T. tái hôn, đi làm bình thường. Lúc này chị Tuyền tiếp tục yêu cầu THA. Anh T. trình bày với THA rằng anh không có tiền do đang đi làm mướn. Chị Tuyền không đồng ý với dẫn chứng gia đình anh đang buôn bán thuận lợi, khá giả.

Chị Võ Thị Ngọc Loan, chấp hành viên chi cục THA, cho biết chị đã nhiều lần đến nhà anh T. để làm việc nhưng anh T. hoặc lánh mặt hoặc nêu lý do anh… chưa hết bệnh tâm thần. Tiếp đó, ba má anh tiếp tục gửi đơn tranh chấp mảnh đất đã cho anh T. chị Tuyền trong thời gian chung sống và yêu cầu hoãn THA. Vì vậy, năm năm qua, vụ việc nhùng nhằng mãi chưa giải quyết xong.

Trong lần làm việc vào giữa tháng 3-2015, chấp hành viên thông báo nếu anh T. không trả tiền cho vợ cũ, THA sẽ kê biên tài sản của anh. Anh T. đã nói: “Tôi không đồng ý bán căn nhà để trả tiền, tôi phải để dành cho các con”.

Cuộc sống cầm hơi: Đói nghèo và thất học

Vừa nhúc nhắc được đôi chân sau đợt bị xe tông đến gãy chân cách đây ít lâu, chị Tuyền nén đau bươn bả đi bán vé số. Năm năm nay, ba mẹ con chị lúc thì ở nhờ tại nhà người thân, người quen; khi thì về nhà bà ngoại chị ở huyện Hòa Thành xin tá túc. Cuộc sống hiện tại của họ rất bấp bênh, bữa đói, bữa no, tất cả trông cậy vào đôi chân mỏi mệt của chị Tuyền. Con trai lớn của chị học tới lớp 7 đã phải nghỉ học. Lo lắng cho hai con, chị cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu chồng cũ trả tiền chia tài sản. Mong muốn của chị là sẽ dùng số tiền đó cất một căn nhà nhỏ cho ba mẹ con chị có chỗ chui ra chui vào, thoát cảnh ăn nhờ ở đậu. Chị nói trong làn nước mắt: “Mấy mẹ con tôi khổ quá rồi. Bây giờ tôi chỉ muốn đòi công bằng cho mình, cho các con tôi. Tôi rất mong các ngành chức năng sẽ sớm thực thi bản án của tòa”.

Sẽ cưỡng chế thi hành án để trẻ không thiệt thòi

Ông Huỳnh Văn Út, Chi cục phó Chi cục THA Trảng Bàng, cho biết ở địa phương cũng có nhiều trường hợp người chồng không thực hiện nghĩa vụ sau khi ly hôn theo bản án của tòa như không cấp dưỡng cho con, không trả tiền chia tài sản, thậm chí không giao con cho mẹ. “Chúng tôi đã phải gặp gỡ, thuyết phục, vận động gia đình tác động để đương sự tự nguyện THA trước khi phải dùng đến biện pháp cưỡng chế. Khi vận động gia đình, chúng tôi luôn lấy quyền lợi của những đứa trẻ để thuyết phục người lớn phải có trách nhiệm. Nếu không, người thiệt thòi nhất là những đứa trẻ, tâm lý của chúng có thể bị ảnh hưởng rất lớn” - ông Út nói.

______________________________________

Chúng tôi sẽ xác minh thêm về tài sản của anh T. Nếu anh T. thực sự không có tài sản để THA, chúng tôi sẽ kê biên nhà đất của anh. Tôi cũng đã yêu cầu chấp hành viên mời cha của anh T. đến để tôi gặp gỡ, giải thích về trách nhiệm của anh T. Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết xong vụ việc này, không để kéo dài.

Ông HOÀNG TRỌNG DŨNG, Phó Chi cục THA huyện Châu Thành

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm