Động đất 4,7 độ Richter cách TP.HCM 200 km

Lúc 14 giờ 24 phút 30 giây ngày 26-1, một trận động đất khoảng 4,7 độ Richter xảy ra tọa độ 9,94 độ vĩ Bắc, 108,33 độ kinh Đông, ở khu vực ngoài khơi biển Vũng Tàu (cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 100 km, TP Phan Thiết 113 km và TP.HCM 200 km). Tâm của trận động đất có độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Ông Nguyễn Tiến Hùng, người phát ngôn Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), cho biết.

Tại khu vực TP Phan Thiết (Bình Thuận) có hai đợt dư chấn mạnh, nhà của rung rinh. Nhiều người làm việc ở cao ốc và sống ở các chung cư cao tầng hoảng hốt vì độ rung lắc dữ dội. Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, cho biết ông cũng cảm nhận rất rõ hai đợt dư chấn khi đang ngồi làm việc. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch Đồi Dương Phan Thiết, cho biết sau khi nghe tiếng nổ thì bàn làm việc rung lên. Mọi người chạy ra ngoài thì thấy sóng biển cuộn cao khác thường khoảng vài phút thì trở lại bình thường.

Động đất 4,7 độ Richter cách TP.HCM 200 km ảnh 1

Tâm chấn động đất ở vùng biển Vũng Tàu cách TP.HCM khoảng 200 km.

Do tâm chấn nằm gần vùng đảo Phú Quý nên người dân vùng này có thể cảm nhận mức độ động đất ở cấp 5. Nếu nhà lợp ngói thì có thể nghe tiếng ngói va chạm vào nhau hoặc nghe tiếng cửa lắc lư.

Tại các quận 1, 7, Thủ Đức (TP.HCM)…, người dân ở trong các tòa nhà cao tầng cũng cảm nhận nơi làm việc của mình bị lung lay. Một bảo vệ tòa nhà Kumho kể khi anh đang trực ở tầng trệt thì thấy nhiều nhân viên bỏ chạy ra khỏi tòa nhà. Sau đó, họ không thấy bất thường gì mới quay trở vào làm việc. Ở các khu vực khác của TP.HCM, những người làm việc trong các tòa nhà cao tầng đều cảm nhận có sự rung lắc trong khoảng 8-10 giây. Những người làm việc trong các tòa nhà ở tầng thứ tư trở xuống khó cảm nhận sự rung lắc do trận động đất gây ra.

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Xuyên, chuyên viên Viện Vật lý Địa cầu Việt Nam, tâm trận động đất nằm trong đới đứt gãy Côn Sơn ngoài biển khơi. Đới đứt gãy này đã gây ra các trận động đất nhỏ trong thời gian qua. Dự báo trong những năm tới, khi đới đứt gãy này tiếp tục hoạt động, nó sẽ gây thêm các trận động đất khác. Trận động đất chiều 26-1 có độ nhẹ nên không gây ra các thiệt hại và sóng thần.

Theo Tiến sĩ Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), năm 2004 Viện Vật lý Địa cầu đã lập bản đồ nguồn các vùng phát sinh động đất ở Việt Nam. Theo đó, đại bộ phận lãnh thổ Việt Nam có thể xảy ra động đất yếu và rất yếu chứ không mạnh và nhiều so với nhiều nơi trên thế giới. Tần suất xảy ra động đất với cường độ mạnh là rất thấp. Viện đã hoàn tất bản đồ phân vùng động đất cho khu vực TP.HCM để cơ quan chức năng thiết kế các công trình nhà cao tầng, công trình giao thông quan trọng… để có thể “miễn nhiễm” với những trận động đất cực đại xảy ra trong tương lai.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, các công trình xây dựng ở TP.HCM đều được thiết kế chịu động đất cấp 7 (độ MSK áp dụng trong xây dựng, được quy đổi từ độ Richter trong chuyên ngành vật lý).

Trên website Cơ quan Theo dõi động đất Hoa Kỳ (USGS) thông báo có một vụ động đất 4,8 độ Richter xảy ra ở biển Đông lúc 7 giờ 24 phút (giờ GMT, tức khoảng 14 giờ 24 phút giờ VN), vị trí cách TP.HCM khoảng 185 km, cách Nha Trang khoảng 285 km, độ sâu tâm chấn khoảng 10 km.

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm