Đại gia Diệu Hiền đi Sing, nhà máy sẽ phải bán

Tại buổi họp báo diễn ra chiều 7-3 tại Cần Thơ, ông Trần Văn Trí cho biết sẽ phải bán nhà máy để trả nợ. Còn việc sẽ bán nhà máy cho ai thì ông Trí xin giữ bí mật, chỉ thông tin vắn tắt là một đối tác nước ngoài hiện đang có mặt tại Cần Thơ để thương thảo. Ông Trí cũng thừa nhận hiện nay nếu vay tiền thì không thể đi vay được.

Nợ 1.200 hay 1.500 tỉ đồng: Sẽ báo cáo trong nay mai

Thời gian gần đây, dư luận liên tục quan tâm đến thông tin Công ty Bình An nợ nông dân nuôi cá hàng trăm tỉ đồng không trả. Trưa 18-2, hơn chục người dân đã kéo đến trước cổng biệt thự của gia đình bà Diệu Hiền - Tổng Giám đốc công ty yêu cầu trả tiền. Theo nguồn tin của PV, hiện Công ty Bình An còn nợ 40 hộ nông dân nuôi cá hàng trăm tỉ đồng, đã có 16 hộ làm đơn nhờ cơ quan chức năng can thiệp và ba chủ nợ đã khởi kiện Công ty Bình An chiếm dụng vốn khoảng 18 tỉ đồng. Theo dự kiến vụ án sẽ được TAND quận Ô Môn xử vào ngày 16-3.

Đại gia Diệu Hiền đi Sing, nhà máy sẽ phải bán ảnh 1

Ông Trần Văn Trí (phải) hứa trả nợ cho dân nhưng không có lộ trình cụ thể. Ảnh: GIA TUỆ

Ông Trí cho biết hiện công ty chỉ còn nợ tiền mua cá của nông dân 164 tỉ đồng và khẳng định chờ đối tác “bơm” tiền vào sẽ trả. Tuy nhiên, khi báo chí hỏi khi nào sẽ trả (vì trước đó bà Phạm Thị Diệu Hiền từng hứa trong tháng 12-2011 sẽ thanh toán dứt) thì ông Trí cho biết: “Tôi không phải là Diệu Hiền nhưng trong tháng 3 sẽ xử lý nợ những hộ lẻ và sẽ bán những tài sản như dự án ở TP.HCM. Kế hoạch trả như thế nào chúng tôi sẽ đặt vấn đề với đối tác, thời gian tới đối tác “bơm” tiền sẽ trả cho dân”.

Về thông tin cho rằng hiện Công ty Bình An đang nợ hàng loạt ngân hàng với số tiền hơn 1.200 tỉ đồng, thậm chí là 1.500 tỉ đồng, ông Trí cho biết ông mới tiếp nhận công việc nên không nắm rõ, phải thống kê lại và trong vài ngày tới sẽ thông tin cho báo chí. Ông thừa nhận hiện đang nợ Ngân hàng Á Châu (ACB) 62 tỉ đồng và thế chấp nhà máy chế biến, mới đây đại diện ACB đã có văn bản yêu cầu trả nợ.

Ông Trí thừa nhận con đường của Bình An đến lúc này là bán nhà máy. Trước đây đối tác trả khoảng 120 triệu USD nhưng hiện nay bị ép giá xuống chỉ còn 80-90 triệu USD vì những thông tin của báo chí trong thời gian vừa qua.

Đi chữa bệnh chứ không bỏ trốn?

Ông Trí cũng bác bỏ thông tin bà Diệu Hiền bỏ trốn ra nước ngoài qua ngả Campuchia và tin đồn khi đi mang theo 600 tỉ đồng là hoàn toàn sai sự thật. Theo ông, vợ ông bị bệnh và mới bị tai biến nhẹ nên đi Singapore để điều trị và đi bằng đường hàng không, khi đi chỉ mang theo 20.000 USD. Chuyến đi này bao gồm bốn chị em trong nhà.

Trong khi đó, chiều 7-3, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Trường Thành - đại diện cho hai nông dân khởi kiện Công ty Bình An cho biết trong phiên hòa giải ngày 16-2, ông đã đề nghị với thẩm phán là khi đưa ra xét xử yêu cầu tòa án triệu tập người đại diện theo pháp luật của Công ty Bình An để xác nhận nợ. Đồng thời, công ty đã thừa nhận nợ. Để đảm bảo cho việc thanh toán nợ, nguyên đơn đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp cấm xuất cảnh đối với bà Diệu Hiền; kê biên tài sản để đảm bảo cho việc thi hành án nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía tòa án.

Theo luật sư Thành, khi DN còn nợ nông dân hàng trăm tỉ đồng, người dân đang làm đơn kiện mà người đại diện theo pháp luật của công ty là bà Diệu Hiền lại rời bỏ công ty và ra nước ngoài cho dù với lý do đi trị bệnh là có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm với chủ nợ. “Ngày 16-3, khi tòa án đưa vụ kiện ra xét xử, nếu không có bà Diệu Hiền tại tòa, tôi sẽ yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản và đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” - luật sư Thành nói.

Ưu tiên giải quyết quyền lợi công nhân, nông dân bị nợ tiền cá

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng Bình An là DN lớn và khi DN này xảy ra sự trì trệ phần nào có sự ảnh hưởng nhất định đến tình hình chung của thành phố, tuy nhiên điều này không ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của thành phố. Đầu tuần ủy ban đã họp với một số sở, ngành hữu quan để nắm tình hình và đưa ra các nhận định, trong đó chủ yếu để đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Thành phố đã chỉ đạo cho Ban quản lý các KCX và KCN phối hợp với Sở LĐ-TB&XH theo dõi, nắm bắt cụ thể về tình hình lao động tại DN này như hiện nay giảm, ngưng bao nhiêu lao động, còn bao nhiêu lao động đang tiếp tục tham gia sản xuất, các chính sách đối với người lao động khi cho ngưng việc tạm thời được công ty giải quyết như thế nào.

Khi PV báo Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề nếu tại DN này xảy ra sự cố như ngưng hoạt động thì ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết khi DN gặp sự cố, sẽ ưu tiên giải quyết quyền lợi cho công nhân, tiếp theo là những nông dân đã bán cá cho công ty mà công ty còn nợ tiền chưa trả, tiếp theo mới là các khoản nợ của ngân hàng.

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm