Công ty Cảng Vũng Rô: Tuồn vốn cho tư nhân chiếm dụng

Ngày 29-5, ông Đỗ Duy Vinh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, cho biết chủ tịch tỉnh vừa có kết luận thanh tra các sai phạm tại Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô (thuộc sở hữu của UBND tỉnh Phú Yên - công ty). Theo đó, trong hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại công ty này, nổi cộm nhất là chuyện công ty có dấu hiệu tuồn vốn nhà nước cho tư nhân chiếm dụng.

Vay tiền để bơm cho đối tác

Điều hành cảng Vũng Rô nhưng hoạt động chính của công ty là mua sợi trong và ngoài nước rồi bán lại cho Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Đại Lộc (KCN Đồng An, thị xã Thuận An, Bình Dương - Đại Lộc). Sau khi sản xuất ra vải, Công ty Đại Lộc bán thành phẩm lại cho công ty.

Để có vốn kinh doanh, công ty mang hầu hết tài sản từ vốn ngân sách thế chấp cho hai chi nhánh ngân hàng thương mại tại Phú Yên để vay gần 300 tỉ đồng. Trong đó, công ty câu kết với hai ngân hàng này lập các hợp đồng tín dụng, thế chấp tài sản để vay số tiền cao hơn 30% giá trị tài sản thế chấp còn lại mà không có sự chấp thuận của đại diện chủ sở hữu là UBND tỉnh Phú Yên.

Công ty Cảng Vũng Rô: Tuồn vốn cho tư nhân chiếm dụng ảnh 1

Ngân hàng đề nghị tòa án phong tỏa toàn bộ tài sản tại trụ sở của Công ty Cảng Vũng Rô. Ảnh: TẤN LỘC

Theo kết luận thanh tra, hoạt động mua bán giữa công ty và Đại Lộc có nhiều điều bất minh. Công ty quá dễ dãi cho Công ty Đại Lộc trong thanh toán như được trả tiền sau 150 ngày kể từ khi nhận hàng. Trong các thương vụ giữa hai công ty, giá trên hợp đồng, phụ lục hợp đồng, hóa đơn khác nhau và đều có lợi cho Đại Lộc. Đáng lưu ý, công ty có dấu hiệu tuồn vốn nhà nước cho Đại Lộc. Trong năm năm giao dịch (từ 2008 đến 2012), công ty nợ Đại Lộc 54 tỉ đồng và công ty đã vay 107,6 tỉ đồng giao hết cho Đại Lộc (tức trả gấp đôi số tiền nợ). Từ đó, Đại Lộc chiếm dụng vốn để kinh doanh. Đến nay, Đại Lộc còn nợ công ty 50 tỉ đồng và không còn khả năng trả nợ.

Để che giấu khoản nợ trên, hai công ty này thông đồng ký các hợp đồng thế chấp tài sản, hàng hóa bất hợp pháp do sử dụng chứng thư không có giá trị, giá trị máy móc thế chấp còn lại chưa đến 15% so với sổ sách, hàng hóa không còn, hợp đồng không có chứng thực… Theo kết luận thanh tra, hiện Đại Lộc đã ngừng sản xuất, kinh doanh và cũng không còn hàng tồn kho để bán trả nợ nên công ty không có khả năng thu hồi được số nợ trên, mất khả năng thanh toán với các ngân hàng. VietinBank Phú Yên đã có văn bản cho biết đang khởi kiện và đề nghị tòa án phong tỏa toàn bộ tài sản của Công ty Cảng Vũng Rô.

Sẽ chuyển hồ sơ sang công an

Ông Đỗ Duy Vinh nói: “Kết quả thanh tra này mới chỉ là bước đầu trong thanh tra các hoạt động của công ty. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ hành vi sai phạm của từng cá nhân liên quan để xử lý”.

Một cán bộ Thanh tra tỉnh Phú Yên khẳng định: “Qua thanh tra cho thấy lãnh đạo Công ty Cảng Vũng Rô đã có hành vi cố ý làm trái, có nhiều hoạt động có dấu hiệu tẩu tán, trục lợi tài sản của Nhà nước, làm thất thoát hàng chục tỉ đồng…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đã đình chỉ việc điều hành Công ty Cảng Vũng Rô đối với ông Nguyễn Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty; đồng thời yêu cầu ông Minh phải trực tiếp thu hồi nợ của Công ty Đại Lộc. “Chậm nhất đến ngày 13-7 phải thu dứt điểm số nợ 50 tỉ đồng. Nếu quá thời hạn trên mà ông Minh không thu hồi nợ dứt điểm, UBND tỉnh Phú Yên sẽ chuyển hồ sơ sang công an để điều tra, xử lý hình sự. Tỉnh cũng đề nghị cấp ủy Đảng, yêu cầu các sở liên quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo, kế toán trưởng, thành viên Ban Kiểm soát công ty và các cá nhân liên quan đến những sai phạm trên. Tỉnh cũng tiến hành các thủ tục giải thể chi nhánh công ty tại TP.HCM. Việc xử lý trên chỉ là bước đầu trong quá trình giải quyết các sai phạm nghiêm trọng tại công ty” - ông Cự nói.

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm