Công nhân phải san sẻ vé xe để luân phiên về quê ăn Tết

Ngày 31-1, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã tổ chức chương trình “Tết sum vầy 2016” cho 500 gia đình công nhân lao động với 1530 người, tại Cung Văn hóa Lao động TP, nhằm mục đích chia sẻ và đồng cảm với những công nhân không được về quê ăn Tết.

Đây là những gia đình công nhân trực tiếp sản xuất có hoàn cảnh khó khăn, những công nhân bị mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất ngay thời điểm chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.

 Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trao quà cho công nhân không được về quê ăn Tết. Ảnh: LÊ THOA

Nhiều anh chị em công nhân chia sẻ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, số lượng vé xe miến phí có giới hạn nên mọi người đều nhường cho nhau với mong muốn ai cũng có cái Tết trọn vẹn bên gia đình.

Chị Hoàng Thị Tuyết cùng chồng và hai đứa con đã lặn lội từ huyện Hóc Môn về trung tâm TP dự chương trình “Tết sum vầy 2016”. Đây đã là năm thứ 6 gia đình chị đón Tết tại TP.HCM, đã quen với nỗi buồn khi chỉ có bốn thành viên trong gia đình quẩn quanh bên nhau.

Cùng đến từ Nghệ An, hai vợ chồng chị Tuyết cùng làm công nhân trong một công ty ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh “Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn quá, hai vợ chồng làm không đủ nuôi con nên chúng tôi đã gửi đứa con gái lớn về quê Nghệ An nhờ ba mẹ chăm sóc từ nhiều năm nay. Nghĩ đến Tết mà không có ba mẹ ở bên con, chúng tôi cũng đau lòng lắm, nhưng biết làm thế nào bây giờ. Mọi năm đến Tết, vé xe lại tăng cao nên không đủ tiền mua, chưa kể khi về quê cũng không có tiền mua áo ấm cho mấy đứa con chống rét”.

Chị Tuyết cho biết, mỗi năm công ty đều có chương trình hỗ trợ công nhân về quê ăn Tết bằng các vé xe miền phí nhưng số lượng có hạn, nên mọi người phải nhường cho nhau, chứ không nỡ tranh nhau từng vé xe. “Dù mình cũng khó khăn nhưng còn rất nhiều người khó khăn hơn cả mình, làm sao nỡ giành nhau cơ hội về quê ăn Tết chứ”.

Cũng đã 5,6 năm chưa về ăn Tết cùng gia đình, chị Nguyễn Thị Hương – công nhân của một công ty giày ở quận 7 không kiềm nổi nước mắt khi kể về câu chuyện của mình. “Ăn Tết ở Sài Gòn buồn lắm, trong này lại không có anh chị em gì cả, mỗi dịp Tết đến không dám gọi về cho gia đình sợ không kiềm lòng mà khóc lên, ba mẹ sẽ lo lắng lắm”. Trường hợp của chị Hương khá đặc biệt, khi đứa con gái thứ hai của chị không may mắc phải Hội chứng Apert – một rối loạn di truyền gây nên những phát triển không bình thường của hộp sọ khiến trẻ em sinh ra trong một hình dạng méo mó của đầu và mặt.

“Sau khi sinh bé được 6 tháng, gia đình phải phẩu thuật cho bé với chi phí hơn 100 triệu đồng nhưng chỉ cải thiện được phần trán cho bé, bác sĩ bảo bây giờ phải đưa bé sang Mỹ phẩu thuật rất phức tạp với chi phí đến 3 tỷ đồng” – chị Hương ngẹn ngào. Đã hơn 3 năm nay, người mẹ này luôn tìm cách để tìm lại cho bé một hình hài bình thường như bao trẻ em khác, mà quên mất việc phải về quê ăn Tết cùng gia đình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm