Chưa thấy bọ xít hút máu xuất hiện ở Việt Nam

Đến thời điểm này vẫn chưa có cơ sở khẳng định rằng loài côn trùng này truyền bệnh gây nguy hại đến sức khỏe con người và cũng chưa tìm thấy mối liên hệ với loài côn trùng có thể gây chết người như ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu người nào bị loài côn trùng này đốt nên dùng xà phòng rửa sạch vết thương và dùng các loại thuốc bôi do côn trùng gây ra. Đồng thời đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tại nơi sinh sống, người dân phải thường xuyên nằm màn, vệ sinh những nơi ẩm mốc, khu vực ít ánh nắng… để tránh nơi làm tổ của loài bọ xít này.

Theo ông Hiển, qua nghiên cứu một số tài liệu, nếu như bệnh nhân bị loài bọ xít hút máu đốt sẽ bị nhiễm trùng bạch cầu và giảm bạch cầu nhanh chóng. Ngoài ra kèm những biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, sốt, toàn thân đau nhức ê ẩm… Một thời gian sau, bệnh nhân dễ bị suy giảm chức năng của các nội tạng và tử vong. “Khí hậu có nhiều yếu tố bất thường, di dân hay sự giao lưu của nhiều dân tộc với nhau… cũng là một trong những tác nhân khiến xuất hiện nhiều loài côn trùng gây bệnh nguy hiểm” - ông Hiển nói.

Còn theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, bọ xít hút máu xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 2 có tên Triatoma rubrofassiata (không giống với loài bọ xít có thể gây truyền bệnh Chagas (bệnh buồn ngủ) ở khu vực châu Mỹ là Triatoma dimidiate (phổ biến ở Trung Mỹ) và loài Triatoma infestans (phổ biến ở Nam Mỹ)). Các nghiên cứu cho thấy loài bọ xít Triatoma rubrofassiata ở Việt Nam chỉ gây khó chịu và phiền toái cho người trong thời gian ngắn chứ không gây bệnh.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Bắc Kinh cho biết WHO yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về tình hình dịch bệnh nhiễm trùng bạch cầu do bị bọ cắn từ tháng 5-2007 đến nay tại thành phố Tín Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Những người bị bọ ve cắn thường giảm sốlượng tế bào bạch cầu và tiểu cầu, dẫn đến suy giảm chức năng và tử vong. Ngoài ra, những người tiếp xúc gần với người bệnh cũng có thể bị nhiễm bệnh nếu không có biện pháp đề phòng.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm