Chủ mỏ coi thường pháp luật

Có quy định nhưng không được tuân thủ

Việc khai thác đá thường xảy ra các tai nạn do nổ mìn, đá lăn, đá lở và sập hầm. Không thể đổ lỗi cho người lao động thiếu hiểu biết, mà phải xem liệu rằng điều kiện về an toàn lao động cho họ có được bảo đảm.

Nhà nước đã ban hành quy phạm kỹ thuật an toàn trong khai thác và chế biến đá lộ thiên, trong đó nêu một cách chi tiết về thiết kế khai thác mỏ, làm đường lên xuống núi để đi lại an toàn, nếu độ dốc trên 30o thì phải có lan can tay vịn, phải trang bị, có biện pháp chống bụi tích cực ở khâu phát sinh nhiều bụi… Đây là tiêu chuẩn bắt buộc nhưng hầu hết các chủ mỏ đá đều không tuân thủ.

Chỉ ban hành các quy định về an toàn thôi chưa đủ, cần có sự kiểm tra, giám sát có trách nhiệm của các cơ quan quản lý để các quy định ấy được tuân thủ. Thực tế ở các mỏ đá, nhìn vào là thấy ngay những vi phạm về an toàn lao động. Nhưng do thiếu giám sát, xử lý nên vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, dẫn đến sự lờn mặt, coi thường pháp luật của các chủ mỏ đá.

Tiến sĩ NGUYỄN ĐẮC HIỀN, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động TP.HCM

Mất an toàn lúc khai thác và khi ngưng

Nhiều người sai lầm khi cho rằng đá cứng nên ổn định, ít bị trượt lở. Thực tế thì các ở núi lớn cũng có nhiều khe nứt và đan chéo nhau thành hệ thống khe nứt. Khi có lực tác động từ bên ngoài như nổ mìn hoặc chỉ là mưa gió cũng sẽ làm cường độ chịu lực của khối đá giảm dẫn đến trượt lở.

Chủ mỏ coi thường pháp luật ảnh 1

Quy chuẩn kỹ thuật không cho phép công nhân đu dây khoan đá như thế này. Ảnh: KB

Ở các mỏ đá, theo quy trình, phải khai thác từ trên xuống. Nhưng thực tế hầu hết các chủ mỏ không tuân thủ mà khai thác từ dưới lên hoặc “cạp” ngang hông. Những kiểu khai thác này rất dễ xảy ra tai nạn, bởi các khối đá từ trên cao bị trượt lở xuống. Tốc độ trượt lở của đá rất cao nên khi xảy ra sự cố thì công nhân ở bên dưới khó bề tháo chạy khỏi vùng nguy hiểm.

Những mỏ đá rút đi sẽ để lại những hố sâu. Việc biến chúng thành các hồ chứa nước cũng phải đảm bảo an toàn, nếu vách hồ không đảm bảo sẽ dẫn đến vỡ hồ. Cạnh đó, hồ chứa nước lớn mà nằm sát khu dân cư cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây họa cho người dân.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ ĐẶNG HỮU DIỆP, Chuyên gia địa chất công trình

Không được tạo điều kiện, tất yếu xảy ra tai nạn

Ở các mỏ đá lộ thiên, thường xảy ra tình trạng đá sập đè chết nhiều người và ở các mỏ dưới mặt đất thì thường liên quan đến thuốc nổ.

Đối với mỏ lộ thiên, nguyên nhân chính là do các mỏ thực hiện không đúng quy phạm kỹ thuật về an toàn. Nếu khai thác mỏ lộ thiên như thế thì phải “phạt ngọn”, “cắt tầng”, “dọn chân” mới đảm bảo được an toàn.

Thế nhưng trên thực tế thì hầu như không có chủ mỏ đá nào thực hiện theo đúng các yêu cầu này. Chẳng hạn vụ sập mỏ đá lèn Cờ ở Nghệ An vừa rồi là do họ không phạt ngọn nên đá trên đỉnh mới sập xuống. Còn các mỏ có công nhân đu dây cheo leo là do không “cắt tầng” nên công nhân không có chỗ đứng làm việc.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TRƯỜNG, nguyên Phó Chánh thanh tra về an toàn lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

MINH PHONG - KHANG BÁCH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm