Các kiểu lãng phí điện của bà nội trợ

Không kể mùa đông hay mùa hè, chưa bao giờ hóa đơn tiền điện của gia đình chị Thuận dưới 1 triệu đồng. Dù chỉ có hai vợ chồng và một con nhỏ nhưng nhà chị sử dụng một tủ lạnh, hai bình nóng lạnh, hai điều hòa, hai máy tính xách tay, hơn chục chiếc bóng đèn ở các phòng... Với suy nghĩ "làm gì cũng phải thoải mái, quan trọng nhất là tiện, mình dùng mình trả tiền chứ có lấy của ai đâu", vợ chồng chị Thuận thường không mấy bận tâm khi có người kêu ca dùng điện như vậy là quá nhiều.

"Nhà tớ điều hòa dùng quanh năm, nóng mở cho mát, lạnh bật sưởi ấm, cả phòng ngủ lẫn phòng khách, chưa kể mấy ngày nồm thì còn dùng mạnh hơn để làm khô, kết hợp cả máy sấy quần áo... ", chị Thuận kể.

Về đến nhà, thói quen đầu tiên của chị là phải bật đèn sáng choang khắp các phòng, máy tính xách tay của hai vợ chồng cũng hoạt động liên tục. Máy giặt thì hôm nào cũng phải dùng tới vì "con tè liên tục".

Các kiểu lãng phí điện của bà nội trợ ảnh 1
Sử dụng các thiết bị điện không đúng cách cũng khiến tiêu hao năng lượng nhiều. Ảnh: internet
Không quá thoáng như chị Thuận, dù giật thon thót mỗi lần thấy hóa đơn điện lên tới tiền triệu nhưng chị Bình (Hà Đông, Hà Nội) không biết làm thế nào thay đổi thói quen dùng điện tràn lan của gia đình mình. Vợ chồng chị Bình và cậu con trai 2 tuổi ở cùng bố mẹ chồng. Mùa hè, chuyện chị phải trả tới 2,5 triệu tiền điện một tháng là bình thường, còn mùa đông con số này cũng chỉ giảm được đôi chút. Mấy tháng trước, bố mẹ chồng chị Bình nghĩ là do có trục trặc nên mới tốn thế "chứ ở nhà có dùng mấy đâu" và giục anh xã chị nhờ người kiểm tra, nhưng cả đồng hồ lẫn đường dây điện đều không có vấn đề gì. "Mình thì thấy có lẽ do cách mọi người tiêu tốn: Máy tính bàn ông bà bật cả ngày cho cháu xem hoạt hình, nghe ca nhạc, ti vi cũng hoạt động liên tục từ sáng tới đêm, ngày lạnh thì nhà lúc nào cũng bật nước nóng để tắm, gội, rửa tay, rửa bát... rồi quạt sưởi, ngày nóng 2 điều hòa cùng bật một lúc. Anh xã thì thường xuyên ngủ quên không tắt máy tính, đi vệ sinh xong không tắt đèn toalet...", chị Bình giải thích. Vì tốn nhiều tiền, gia đình chị đang tính cách tách hộ khẩu để làm hai công tơ điện nhưng vẫn chưa làm được. Mỗi lần nghe mọi người kêu ca về chuyện có thể sắp tăng giá điện, chị Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) lại than: "Nhà tớ chả hiểu sao cả nhà đi vắng suốt ngày mà tháng cũng nào thanh toán 700-800 nghìn đồng tiền điện". Thế nhưng, đồng nghiệp tới nhà chơi, nhìn cách sử dụng điện của gia đình chị, mới vỡ lẽ số tiền ấy cũng không oan. "Ngoài trời đang nắng, nhưng cửa sổ nhà chị ấy kéo rèm che kín rồi trong nhà mở đèn sáng choang. Quần áo thì chỉ có 4-5 cái mỏng cũng quẳng vào bấm máy giặt. Thời tiết mới hơn hai mươi độ mà trong nhà đã bật máy lạnh vì thấy 'oi oi, khó chịu', trong khi chẳng chịu mở cửa sổ cho thoáng khí", bạn chị Ngọc kể. Không ít người cố gắng tiết kiệm điện ở gia đình nhưng lại "thả phanh" ở cơ quan vì cho đó là "tiền chùa". Anh Trung, nhân viên một công ty nhà nước ở Trung Kính (Hà Nội) cho biết, công ty anh dùng điều hòa trung tâm, có khi cơ quan đi công tác hết, chỉ còn một người đi làm thì điều hòa vẫn chạy, đèn vẫn sáng cả văn phòng rộng thênh thang. Chuyện nhiều người về mà quên không tắt máy diễn ra thường ngày. Có chị em còn tranh thủ gội sấy luôn ở cơ quan... Theo một khảo sát nhỏ với hơn 700 người tham gia, có tới gần 1/7 số người được hỏi cho biết, họ không quan tâm đến tiết kiệm điện. Số còn lại, có ý thức về tiết kiệm điện, thì chủ yếu để ý tới việc giảm hao phí khi sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng hoặc các đồ điện trong phòng khách...
Các kiểu lãng phí điện của bà nội trợ ảnh 2
Hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2012, sắp tới, ngày 31/3, Hà Nội cùng nhiều tỉnh thành trong cả nước kêu gọi người dân tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết từ 20h30 tới 21h30. Hoạt động nhằm kêu gọi người dân tiết kiệm điện này được tổ chức lần đầu năm 2009. Trong chiến dịch này năm ngoái, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một tiếng tắt đèn giúp giảm công suất của hệ thống điện trên cả nước là 400 MW, tương đương với số tiền tiết kiệm được là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, nếu mỗi người trong gia đình thực hành tiết kiệm điện ở mọi lúc, mọi nơi, thì số điện tiết kiệm được còn tăng gấp nhiều lần. "Riêng ở TP HCM, nếu mỗi gia đình đều ý thức tiết kiệm điện thì một năm thành phố bớt lãng phí được hàng nghìn tỷ đồng", ông nói. Ông cho rằng, các hoạt động Giờ Trái đất đã tạo ra sự thay đổi nhận thức về tiết kiệm năng lượng ở nhiều người nhưng thực tế vẫn còn nặng tính phong trào. Theo ông, phải làm sao để tiết kiệm điện trở thành một thói quen hằng ngày, hàng giờ của mỗi người, không chỉ vì túi tiền của mình, mà vì môi trường, cộng đồng. Và để làm được điều đó, cần mọi người dân cần nâng cao cả kiến thức và cả ý thức sử dụng điện.
Theo Vương Linh ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm