Bắt 'nữ hoàng linh trưởng' sấy khô giữa khu bảo tồn

Từ đầu năm đến nay Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã tuần tra nhiều đợt và tháo gỡ đến 739 dây bẫy, hàng trăm dụng cụ săn bắt bị tiêu hủy. Thế nhưng số phận của loài voọc chà vá chân nâu (thuộc nhóm linh trưởng nguy cấp, quý hiếm) vẫn bị đe dọa từng ngày.

Lập cả lán trại săn thú trong khu bảo tồn

Mặc dù nằm ở vị trí đắc địa với ba mặt giáp biển, chỉ có một con đường độc đạo dẫn vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà nhưng cánh săn bắt trộm vẫn tìm cách lẻn vào. Các đối tượng này còn gùi theo gạo cơm, thực phẩm, dựng lán trại ngay trong rừng rậm để săn thú.

Mới đây, vào cuối tháng 3, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đi tuần tra rừng đã bất ngờ phát hiện nhiều dấu vết khả nghi tại tiểu khu 64 nên lần theo. Khi vào đến nơi thì phát hiện đối tượng Vi Văn Sơn (ngụ Tân Kỳ, Nghệ An) đang ở trong một chiếc lán được dựng dã chiến. Bên cạnh là cả chục chiếc bẫy thép được làm từ thắng xe đạp, dao phát rừng và nhiều túi đựng thịt và xương động vật. Số thịt này được hong sấy khô, còn xương được chặt khúc, bó thành từng bó treo ở giàn bếp.

Qua điều tra, Sơn khai nhận cùng bốn người khác là Vi Văn Hoàng, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Hội và Lê Thị Lan (ngụ cùng địa phương) từ Nghệ An vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà dựng lán trại đặt bẫy thú đem về bán lấy tiền. Kết quả giám định tại Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) xác định đây là loài voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) thuộc linh trưởng nguy cấp, quý hiếm, thuộc nhóm IB.

Hiện Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an quận Sơn Trà để điều tra làm rõ.

Làm việc với công an, ông Hoàng thừa nhận cùng Sơn và ba người khác tổ chức vào khu bảo tồn đặt bẫy, bắt thú rừng. Trong những ngày săn bắt tại đây, nhóm này đã bắt được hai cá thể voọc chà vá chân nâu, hai con mang, một con chồn và một con sóc. Số voọc này bị giết, xẻ thịt và hong khói, phơi khô tại chỗ để thuận tiện cho việc vận chuyển đi tiêu thụ (thường là lấy xương bán cho các lò nấu cao).

Đối tượng Sơn cùng số dụng cụ bẫy bắt thú rừng. Ảnh: KL

Voọc chà vá chân nâu thuộc nhóm linh trưởng nguy cấp, quý hiếm. Ảnh: CTV

Số voọc chà vá chân nâu bị nhóm của Sơn giết hại, sấy khô. Ảnh: KL

Luôn canh chừng nhưng rất khó bắt

Theo ông Trần Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, vị trí nhóm của Sơn đặt bẫy chỉ cách chùa Linh Ứng khoảng 4 km đường rừng. Tuy nhiên, để tiếp cận được rất khó khăn do đường sá hiểm trở, dây rừng chằng chịt. Thủ đoạn của nhóm săn bắt này rất tinh vi, sau khi di chuyển từ Nghệ An vào Đà Nẵng, họ thuê xe thồ chở lên Sơn Trà và tiếp cận khu bảo tồn bằng cách di chuyển bộ vào ban đêm. “Các đối tượng này là thợ săn chuyên nghiệp, chúng giăng bẫy trên một số tuyến đường thú rừng hay đi lại. Với các loại bẫy kẹp và bẫy vòng thì các con thú rất khó thoát. Thời gian qua chúng tôi cũng đã phá hủy, thu hồi nhiều loại bẫy và lán trại nhưng không bắt được người” - ông Thanh thông tin thêm.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm đơn vị quản lý khi để số đối tượng săn trộm này vào trú ẩn trong rừng một thời gian mà không bị phát hiện, ông Thanh cho rằng cánh săn bắt trộm như “biệt kích” ẩn nấp trong rừng, rất khó phát hiện. Còn đường rừng thì phức tạp, nhiều tuyến khác nhau nên rất khó bắt. “Hạt có 12 cán bộ trong đó có sáu kiểm lâm thường xuyên cắt cử đi tuần rừng. Mỗi lần đi thường chia ra 2-3 nhóm và một tháng đi khoảng 6-7 lần” - ông Thanh thông tin.

Còn theo ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, lực lượng kiểm lâm đã thực hiện nhiệm vụ truy quét thường xuyên nên mới phát hiện nhóm đối tượng này. “Cả khu vực miền Trung chỉ còn sót lại loài voọc chà vá chân nâu sinh sống ở vùng Sơn Trà nên các đối tượng săn bắt trộm đổ dồn về đây. Theo quy định, cứ 500 ha rừng đặc dụng thì có một kiểm lâm, chúng tôi phải thực hiện truy quét quyết liệt mới phát hiện được trường hợp trên. Việc bảo tồn ở đây rất khó khăn, chúng tôi phải luôn canh chừng săn bắt trộm”.

Đang xem xét khởi tố những kẻ săn trộm

Liên quan đến vụ án Sơn và đồng bọn vào khu bảo tồn dựng lán, bẫy voọc chà vá chân nâu, cơ quan công an, VKSND TP Đà Nẵng, Chi cục Kiểm lâm cùng một số cơ quan chức năng đã có buổi làm việc để thống nhất phương án xử lý. Theo đại diện Ban Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm), TAND và VKS đã yêu cầu cơ quan điều tra phải xác định được giá trị tang vật đang tạm giữ. “Qua giám định ban đầu số xương thu giữ được tại lán là của hai cá thể voọc trở lên. Tuy nhiên, VKS yêu cầu phải có con số cụ thể mới có thể xem xét phê duyệt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Hiện cơ quan công an đã trưng cầu giám định ADN để xác định số lượng voọc bị giết hại” - đại diện Ban Pháp chế cho hay.

Cũng theo vị này, theo Điều 21 Nghị định 157/2013 về “quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” thì giá trị của tang vật thu giữ thuộc nhóm IB phải trên 100 triệu đồng thì mới xử lý hình sự. Còn nếu dưới thì chỉ áp dụng mức xử phạt hành chính 350-400 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc xác định giá trị loài voọc rất khó khăn vì đây là loài động vật quý hiếm, không được mua bán trên thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm