Bảo vệ khóa tay dân để thi hành án

Vợ chồng ông Phan Văn Nhiên và bà Lưu Thị Thìn ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) vừa gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Trảng Bom đã thuê bảo vệ leo rào xông vào nhà và khóa tay ông để cưỡng chế, kê biên tài sản THA.

Chiều 3-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hơn, phụ trách Chi cục THADS huyện Trảng Bom, cho biết đơn vị đang làm báo cáo giải trình về vụ việc theo yêu cầu của Cục THADS tỉnh Đồng Nai.

Trèo hàng rào vào nhà, khóa tay

Ông Nhiên (80 tuổi) và bà Thìn (77 tuổi) phản ánh cuối tháng 7-2015, Chi cục THADS huyện Trảng Bom cùng đoàn liên ngành gồm công an, VKS… đến tiến hành cưỡng chế kê biên đất cùng tài sản trên đất. Ông Nhiên nói đây là tài sản của vợ chồng ông đã mua bằng giấy tay của con nuôi từ năm 2006. Vợ chồng ông Nhiên cho rằng mình không có nghĩa vụ phải THA (cho ông Phạm Văn Chiến và bà Nguyễn Thị Nga) nên đóng cổng, không cho lực lượng chức năng vào nhà thực hiện việc kê biên, cưỡng chế.

Sau đó một người đến khóa cổng nhà. Ông Nhiên dùng xô nước hắt vào người này. Thế là theo sự điều động của lãnh đạo công ty bảo vệ (trụ sở ở huyện Trảng Bom), khoảng sáu bảo vệ trèo qua hàng rào vào nhà rồi khóa tay khống chế ông Nhiên, bà Thìn lôi ra phía sau. “Những nhân viên của công ty bảo vệ không phải là lực lượng thi hành công vụ. Họ không có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn nhưng đã đột nhập, xông vào khống chế, khóa tay tôi là không đúng pháp luật. Lực lượng thi hành công vụ như công an viên, kiểm sát viên đứng ở ngoài không làm, để bảo vệ làm. Các bảo vệ còn bẻ trẹo tay, làm tôi bị thương phải nhập viện điều trị” - bà Thìn bức xúc.

Nhân viên công ty bảo vệ trèo vào nhà dân. Ảnh: TIẾN DŨNG

Ông Nhiên bị bảo vệ khống chế. Ảnh: TIẾN DŨNG

“Được phép” (?!)

Về phía Chi cục THADS huyện Trảng Bom, ông Nguyễn Văn Hơn cho biết thửa đất trên do con nuôi của vợ chồng ông Nhiên đứng tên. Người này có nghĩa vụ trả nợ cho ông Phạm Văn Chiến và bà Nguyễn Thị Nga theo bản án của tòa nên Chi cục THADS huyện Trảng Bom đã tổ chức cưỡng chế, kê biên. Ông Hơn nói: “Chúng tôi có hợp đồng thuê công ty bảo vệ đi cùng đoàn cưỡng chế để họ bảo vệ cho đoàn cưỡng chế. Việc các nhân viên bảo vệ vào nhà khóa tay khống chế ông Nhiên, bà Thìn là vì họ có ý định tấn công những thành viên của đoàn cưỡng chế. Quy định của Bộ Tài chính cho phép cơ quan THADS chi trả tiền thuê bảo vệ, hỗ trợ THA. Hành động của những nhân viên bảo vệ là được pháp luật cho phép” (!?).

Khi PV hỏi sao công an trong đoàn cưỡng chế không thực hiện việc bảo vệ cưỡng chế (theo Thông tư liên tịch 03/2012/BTP-BCA - NV), khống chế ông Nhiên, bà Thìn mà để nhân viên bảo vệ không có chức năng thi hành công vụ thực hiện thì ông Hơn nói công an có nhiệm vụ lập biên bản vi phạm hành chính. Ở đây, ông Nhiên và bà Thìn có ý tấn công đoàn cưỡng chế nên các nhân viên của công ty bảo vệ được thuê đã vào ngăn cản.

Tuy vậy, một lãnh đạo Tổng cục THADS cho biết cơ quan THADS được thuê bảo vệ song chỉ được thực hiện một số công việc như bưng bê, khuân vác… nếu “đụng” đến người là chuyện khác và ngay cả các chấp hành viên cũng không được làm. Việc này phải là do cơ quan công an thực hiện. Tương tự, ông Trần Xuân Bốn, Quyền Chánh Văn phòng Cục THADS tỉnh Đồng Nai, cho biết sẽ ghi nhận những thông tin mà PV cung cấp. Sau đó Cục THADS tỉnh sẽ kiểm tra, xác minh vụ việc và có phản hồi.

Luật đang hở

Theo Thông tư liên tịch 184/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, người phải THA phải chịu chi phí cưỡng chế. Đây là chi phí cho chấp hành viên, công chức tham gia THA, kiểm sát viên, cảnh sát, dân quân tự vệ, chính quyền địa phương, tổ dân phố, trưởng thôn, già làng, trưởng bản. Ngoài ra, một số đối tượng khác trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế cũng được hưởng chi phí.

Trong thực tế, các THA đã thuê công ty bảo vệ, vệ sĩ... để hỗ trợ THA. Tuy vậy, Luật THADS và nghị định hướng dẫn thi hành lại không quy định cụ thể về một số đối tượng khác trên. Đây là kẽ hở có thể dẫn đến việc áp dụng tùy tiện và xảy ra các hành vi hành xử không đúng thẩm quyền. Do vậy, một số đối tượng khác nêu trên cần được luật hóa cụ thể, nêu rõ thẩm quyền và giới hạn công việc.

Theo Thông tư liên tịch 03/2012/ BTP-BCA, cơ quan công an phải xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ cưỡng chế. Lực lượng này cũng được phân công bảo vệ, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn trong suốt quá trình diễn ra cưỡng chế THADS. Do vậy theo tôi, các bảo vệ không được khống chế bắt, giam, giữ người (trừ khi có phạm pháp quả tang) và họ dùng vũ lực khống chế là không đúng. Theo Thông tư 03/2012 vừa nêu thì chỉ có lực lượng cảnh sát trong thành phần kế hoạch cưỡng chế THA đã được duyệt mới có chức năng này.

Tuy vậy, việc khống chế của cảnh sát cũng cần thận trọng đối với các trường hợp chống đối nhưng chưa đến mức độ phạm tội vì theo tâm lý, người bị THA dễ bực tức hoặc xót của.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên
Trường ĐH Luật TP.HCM

T.TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm