Bão đổ bộ, nhiều tàu thuyền bị đánh chìm

Trong ngày 17-7, bão số 1 ảnh hưởng rõ rệt tới khu vực ven biển phía bắc. Hải Phòng, Quảng Ninh có nhiều nơi bị mất điện.

Quảng Ninh mất điện diện rộng

Theo Quảng Ninh online, chiều 17-7, Quảng Ninh đã xảy ra mất điện trên diện rộng. Gió bão cũng đã gây đổ cột phát sóng của Đài TTTH Vân Đồn và đổ một ăng ten của một trạm phát sóng Viettel tại huyện Vân Đồn. Theo tin từ Công ty Điện lực Quảng Ninh, mưa to, gió lớn đã gây ra sự cố làm mất điện hầu hết các địa phương trong tỉnh. Hầu hết các địa phương ven biển đã có gió giật trên cấp 6.

17 giờ, trên địa bàn TP Hạ Long gió đã mạnh lên cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Nhiều cây cối hai bên đường bị quật đổ. Một số tàu thuyền và nhà bè bị gió bão giật đứt neo. Huyện đảo Cô Tô có gió giật trên cấp 9 kèm theo mưa lớn. Toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động gần khu vực Cô Tô đã được Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, ngành thủy sản kêu gọi về nơi tránh bão an toàn.

18 giờ 30, gió bão làm tốc mái tôn của khu nhà ba tầng tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long. Tại khu vực Cảng Mới (TP Hạ Long), lực lượng cứu hộ đã đưa 30 người còn đang ở trên các tàu bè neo đậu tại đây lên bờ.

Từ đầu buổi chiều, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh bắt đầu thực hiện việc cấm người đi bộ, các loại xe môtô và xe thô sơ qua cầu Bãi Cháy (hướng Bãi Cháy-Hạ Long). Sở bố trí đầy đủ phương tiện để chuyên chở người qua cầu, đảm bảo an toàn trong thời gian có bão.

Bão đổ bộ, nhiều tàu thuyền bị đánh chìm ảnh 1

Từng cột sóng cao 7-8 m liên tiếp quật vào bờ kè tại  khu du lịch Đồ Sơn. Ảnh: KIM LINH

Hải Phòng: Ba tàu du lịch chìm

13 giờ, bão đổ bộ vào huyện đảo Bạch Long Vĩ với sức gió cấp 11-12, giật trên cấp 12, biển động dữ dội, sóng biển dâng cao 8-9 m. Trung tá Phạm Khắc Lương, Phó Trưởng đồn biên phòng 58, cho biết trong hơn hai giờ đổ bộ vào đảo Bạch Long Vĩ, gió bão đã quật gãy một cần cẩu của ban quản lý âu cảng. Một tàu cung cấp xăng dầu thuộc Công ty Cung ứng xăng dầu Thanh Hải đang đậu trong âu tàu đã bị sóng đánh chìm tại bến. Gió bão cũng đã làm tốc mái một trường học cùng một số nhà dân.

Buổi chiều, bão số 1 tràn vào biển Đồ Sơn với gió mạnh cấp 8, sóng đánh dữ dội, nối tiếp nhau quật vào bờ tạo thành cột nước đỏ ngầu cao 7-8 m. Những đợt sóng lớn kết hợp triều cường trong nhiều giờ đã đánh sạt hơn 200 m bờ kè tại khu du lịch quốc tế Hòn Dấu.

Tại huyện Cát Hải lúc 11 giờ, gió bắt đầu mạnh dần. Đến khoảng 14 giờ, gió bão tăng lên giật trên cấp 10, sóng cao 2-3 m. Nhiều cơn sóng dồn dập vượt qua mặt kè đê, ập vào nhà dân. Theo ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, sóng lớn đã gây sạt lở một số điểm kè đá đoạn đê xung yếu dài hơn 3 km Gia Lộc-Văn Chấn. Theo ông Nghĩa, nếu bão kéo dài vài giờ đồng hồ nữa thì rất có thể nước sẽ tràn qua đê làm ngập hoàn toàn nhà dân và có nguy cơ gây ra sự cố nứt, vỡ đê biển.

Tại TP Hải Phòng, bão không gây thiệt hại về người, chỉ có một người dân bị thương do cành cây gãy rơi phải.

Đáng chú ý, chiều tối cùng ngày đã có ba chiếc tàu du lịch của tỉnh Quảng Ninh bị sóng đánh chìm tại vùng biển Cát Bà khi đang neo đậu tránh bão tại bến phà Gia Luận. Đó là các tàu Hoàn Cầu QN 4659, tàu Bái Tử Long QN 4698 và tàu Ánh Dương (không có số hiệu). Ngoài ba tàu du lịch trên bị chìm, tại khu vực Gia Luận, một chiếc tàu đánh cá loại nhỏ cũng bị chìm ngập nhưng lực lượng cứu hộ đã kịp thời trục vớt.

Bão đổ bộ, nhiều tàu thuyền bị đánh chìm ảnh 2

Cây gãy đổ trên đường Phạm Văn Đồng và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: KIM LINH

Bão đổ bộ, nhiều tàu thuyền bị đánh chìm ảnh 3

Người dân Đồ Sơn sơ tán đồ đạc chạy bão. Ảnh:TTXVN

NamĐịnh thoát tâm bão

Khoảng 15 giờ đến 16 giờ 30, bão đổ vào Nam Định nhưng sức gió chỉ khoảng cấp 6, cấp 8 và lác đác ở một vài nơi có mưa.

Tại xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu, nơi được xác định là vùng nguy hiểm vì hệ thống đê biển chưa được hoàn thiện, ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Công an xã, cho biết đến 15 giờ, việc di dời dân đã hoàn tất. Riêng khu vực bãi biển Hải Thịnh, hơn 100 hộ dân kinh doanh du lịch cũng trong tình trạng sẵn sàng di chuyển. Tuy nhiên, tại thời điểm gió lớn nhất cũng chỉ khoảng cấp 7 nên rất nhiều người dân đi du lịch, tắm biển vẫn trú lại.

Tại Thái Bình, bão gây mưa vừa và gió giật mạnh cấp 8. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã về hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy chỉ đạo công tác chống bão, yêu cầu kiên quyết di dời ngay những người dân còn ở ngoài đê biển.

Tại các địa phương ven biển trong tỉnh Nghệ An, hiện có hàng trăm khách du lịch bị kẹt lại chưa trở về được do ảnh hưởng của mưa bão, trong đó tập trung chủ yếu ở Cửa Lò.

Chủ động đối phó với bão

19 giờ ngày 17-7, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu có công điện gửi các địa phương. Công điện yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc phải rà soát công tác chuẩn bị đề phòng mưa lũ gây chia cắt; chủ động triển khai di dời dân ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. TP Hà Nội phải chủ động đối phó với tình trạng ngập úng vì là nơi được dự báo là có lượng mưa lớn.

Tại cuộc họp chiều 17-7, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu các địa phương không chủ quan trong đối phó với cơn bão mạnh này.

Sau khi nghe lãnh đạo các cơ quan chức năng báo cáo tình hình, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đề nghị: Chuyển tư thế sẵn sàng đối phó trên biển sang đối phó trên đất liền. Bão có tâm bão rộng, đổ bộ ban đêm nên phải đề phòng các hiện tượng thiên tai tiêu cực.

Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện khẩn gửi Bộ Ngoại giao đề nghị liên hệ phối hợp Trung Quốc có biện pháp hỗ trợ giúp đỡ các tàu, ngư dân bị nạn tại khu vực Hoàng Sa.

LX - T.HẰNG

Bão số 1 suy yếu thành áp thấp

(PL)- Tối 17-7, vùng tâm bão số 1 đã đi vào địa phận các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình. Do ảnh hưởng của bão số 1, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8, cấp 9; giật cấp 10, cấp 11. Sáng 18-7, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đêm ngày 17-7 có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Sóng biển cao 3-5 m. Ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa, mưa vừa, một số nơi có mưa to đến rất to như Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 132 mm; Ba Đồn (Quảng Bình) 182 mm; Tân Mỹ (Quảng Bình) 162 mm…

Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng.

HOÀNG VÂN

Hà Nội: 40 bệnh viện đã sẵn sàng

(PL)- Chiều qua (17-7), lãnh đạo Sở Y tế TP Hà Nội đã có cuộc họp gấp với 40 bệnh viện để thông báo kế hoạch và các tình huống phải cấp cứu khi bão số 1 gây ra. Sở Y tế yêu cầu 40 bệnh viện này phải thực hiện phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy điều hành, lực lượng, vật tư và hậu cần. Bệnh viện phải chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, máy phát điện, giường bệnh điều trị, cán bộ y tế phải túc trực 24/24 giờ… Bệnh viện cũng phải chuẩn bị nhiều mì tôm để phòng khi có bệnh nhân nhập viện do mưa bão.

Ngoài ra, mỗi bệnh viện đều phải chuẩn bị 1-2 đội cấp cứu cơ động.

T.NHƯ

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm