‘Bao cãi’ bất thành, luật sư bị níu áo

Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cho biết đang xem xét, thụ lý khiếu nại của đương sự tố một thành viên của đoàn luật sư này vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Theo đó, luật sư H. hứa hẹn thực hiện công việc nhưng kết quả không thành lại không hoàn tiền cho đương sự như thỏa thuận.

“Bao” án treo, không được sẽ hoàn chi phí

Đầu năm 2014, ông M., em trai của bà L., dính vào một vụ phạm pháp hình sự và bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian chờ ngày xét xử, bà L. tìm đến ông H., Giám đốc Công ty Luật TNHH T. (ở Cần Thơ) ký hợp đồng bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho em trai.

Trong hợp đồng thể hiện thù lao của luật sư chỉ 15 triệu đồng, trong khi chi phí lại đến 120 triệu đồng. Ngay sau khi ký hợp đồng, phía bà L. đã thanh toán 70 triệu đồng cho luật sư H. và số tiền còn lại sẽ thanh toán khi đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm (hiện chưa thanh toán). Theo thỏa thuận, phía Công ty Luật T. sẽ bào chữa và bảo vệ quyền lợi theo quy định của pháp luật để bị cáo được hưởng mức án thấp nhất. Điều đáng nói, phần cuối của hợp đồng còn có phần phụ chú, viết bằng tay với nội dung: “Nếu ông M. không được hưởng án treo bên B (Công ty Luật T. - PV) sẽ hoàn lại số tiền chi phí đã nhận”. Bên dưới còn có chữ ký, ghi tên H.

Tuy nhiên, sau đó ông M. bị TAND tỉnh Vĩnh Long xử ba năm tù giam. Trước kết quả này, bà L. đòi luật sư H. hoàn trả lại số tiền chi phí (55 triệu đồng - PV) nhưng không được. Từ đó, bà L. gửi đơn khiếu nại đến Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cho rằng luật sư H. đã hứa hẹn kết quả nhưng không đạt được thì chây ì không trả lại tiền theo thỏa thuận.

Có vi phạm, đang xử lý

Liên quan đến vụ việc, luật sư Trần Minh Trị - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ nói: “Chúng tôi đã nhận được khiếu nại về luật sư H. và đã giao cho Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật của đoàn luật sư xem xét, giải quyết theo quy định. Hiện hội đồng đã làm việc với các bên có liên quan và chưa báo cáo kết quả đề xuất về cho ban chủ nhiệm”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi liệu ông H. có vi phạm hay không thì luật sư Trị cho biết có vi phạm nhưng mức độ và hình thức xử lý như thế nào phải chờ hội đồng họp thống nhất hình thức xử lý và đề xuất cho ban chủ nhiệm đoàn quyết định.

Liên hệ qua điện thoại với ông H. để có buổi làm việc nhằm hỏi rõ thêm thông tin rộng đường dư luận nhưng ông cho biết không thể gặp do đang có chuyến công tác. Ông H. chỉ nói ngắn gọn là đã giải quyết xong chuyện tiền với đương sự, còn mọi thông tin liên quan đến vụ việc thì hãy liên hệ với đoàn luật sư. Chiều 4-5, bà L. xác nhận thêm ngày 11-4 bà được đoàn luật sư mời đến làm việc về các nội dung bà khiếu nại và khoảng 10 ngày sau thì có người liên hệ xin bà số tài khoản để chuyển trả lại 55 triệu đồng. Theo bà L., chi phí lo luật sư là do cha ruột bỏ ra, trong khi ông cụ năm nay trên 80 tuổi nên phải đòi lại vì luật sư chưa thực hiện được việc đã hứa. “Tôi khiếu nại để đòi lại chi phí, giờ tiền tôi đã nhận lại rồi nên không thắc mắc gì” - bà L. nói.

Pháp Luật TP.HCM tiếp tục theo dõi kết quả xử lý của Đoàn Luật sư TP Cần Thơ để thông tin đến bạn đọc.

Cam kết, hứa hẹn là vi phạm

Việc làm hợp đồng giữa luật sư với khách hàng đối với từng loại án mang tính chất khác nhau. Với án dân sự, kinh tế, lao động thì hai bên có thể đặt ra các mục tiêu cụ thể chi phí thù lao phụ thuộc vào sự thành công của luật sư. Nhưng với án hình sự thì nhạy cảm hơn vì ranh giới giữa lời lẽ bình thường với những ý tứ được hiểu là cam kết của luật sư rất mong manh, nên các luật sư rất “kỵ” ghi cụ thể mà chỉ ghi chung chung. Khổ nỗi đôi khi trong khi giao kết hợp đồng vì ý chí của khách hàng mà luật sư phải ghi vào hợp đồng những ý giống như cam kết.

Trong vụ này nếu hợp đồng chỉ ghi là “luật sư sẽ cố gắng bào chữa để bị cáo được hưởng mức án thấp nhất”, hoặc “luật sư cố gắng hết mức có thể”… thì không sao. Nhưng nếu ghi rõ là “luật sư cam kết sẽ bào chữa được án treo”, “bị cáo chỉ phải chịu mức án một năm tù giam”… hoặc những từ ngữ khi đọc lên khiến người ta hiểu đó là một cam kết, tự mình hứa hẹn thì không ổn. Ghi như vậy giống như luật sư đang cam kết làm một việc không nằm trong khả năng của mình và có dấu hiệu hứa hẹn của việc mà người ta gọi nôm na là “chạy án”. Lúc này nội dung trong hợp đồng đã vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư mà Liên đoàn Luật sư đã ban hành (quy tắc 14 - PV).

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA,
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội

THANH TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.