8 km đường làm 11 năm chưa xong

8 km đường vành đai Khu du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh) nối từ cổng chính Khu du lịch núi Bà Đen sang Khu du lịch sinh thái Ma Thiên Lãnh thi công 11 năm qua nhưng chưa xong. Trong khi đó, ngân sách đã chi cho công trình đến 90%.

Từ cổng Khu du lịch núi Bà Đen vào con đường, du khách gặp ngay vô số ổ gà, ổ voi hoặc đường phồng rộp lên sẵn sàng hạ đo ván những du khách mê ngắm cảnh. Có những đoạn một bên bị lún sâu tạo thành hố, rãnh; một bên bị đùn lên như dải phân cách. Nhiều đoạn đường phơi ruột đất đỏ.

Ông Võ Văn Hùng (ấp Ninh Phú, xã Ninh Sơn) có rẫy nằm cạnh đường vành đai than: “Chiều tối là không dám chạy xe ra đường. Ban ngày gặp mưa cũng không dám đi, đâu biết chỗ nào đường bằng, chỗ nào ổ gà. Mình ở đây quen đường, chạy xe còn thấy ớn”.

Sau hai năm trải thảm nhựa, con đường đùn lên nhiều “dải phân cách”. Ảnh: N.HOÀNG 

Anh Huỳnh Quốc Cường cho biết: “Tới kỳ thu hoạch rẫy, tôi kêu xe vô chở. Tới chỗ mấy khúc đường bị đùn, xe bị bể lốc máy. Sau đó nông dân kêu xe, không ai dám chạy vô. Mía, mì thì kêu xe bò hoặc máy cày nhưng họ ngại khó, chúng tôi phải chấp nhận trả giá cao hoặc bán rẻ nông sản”.

Đến Khu du lịch Ma Thiên Lãnh, một sinh viên trong nhóm du lịch nói: “Em đi đường vành đai tới đây, xe xóc như phi ngựa. Lát về em sẽ đi tỉnh lộ 785, xa hơn nhưng an toàn”.

Về con đường trên, trong phiên họp HĐND tỉnh cuối năm 2013, một đại biểu chất vấn: “Công trình đã ứng 90% vốn nhưng nền hạ chỉ toàn là cát, bê tông ở trên thì làm sao đảm bảo chất lượng? Sở Xây dựng và UBND tỉnh có đánh giá về chất lượng con đường hay không?”.

Theo Sở VH-TT&DL (chủ đầu tư), năm 2003, công ty Cổ phần Giao thông Tây Ninh trúng thầu làm con đường với giá 7 tỉ đồng, sau đó công ty không làm. Đến 2009, một đơn vị khác trúng thầu với giá gần 15 tỉ đồng. Theo thiết kế, chỉ cho xe có tải trọng dưới 13 tấn lưu thông và cuối năm 2011, đường đã được trải thảm nhựa nhưng chỉ một thời gian ngắn, con đường bị lòi đất đỏ, bong tróc…

Ông Nguyễn Thanh Sơn (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL) cho biết: “Một nguyên nhân khác là khi thiết kế, đơn vị thiết kế chưa tính đến lượng nước mưa rất lớn từ trên núi đổ xuống để có hệ thống thoát nước tương ứng nên gây hư hỏng đường. Cạnh đó, tỉnh lộ 785 song song với đường vành đai có một trạm thu phí nên xe né trạm, chạy vô đường này làm nát con đường, bất chấp barie chắn đường của đơn vị thi công… Để đảm bảo sử dụng lâu dài, cần nâng cấp lên thành đường dân sinh, nâng tải trọng từ 20 đến 30 tấn trở lên”.

Mới đây, tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định thành lập hội đồng giám định gồm Sở Xây dựng, Giao thông và VH-TT&DL để xác định lại nguyên nhân hư hỏng công trình, đề xuất tỉnh giải pháp xử lý. Sở VH-TT&DL tham gia tất cả hoạt động khắc phục sự cố, đặc biệt là vấn đề pháp lý đối với đơn vị thi công.

NGUYỄN HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm