5 triệu đồng và 10 năm...

Có lẽ đây là lần đầu tiên có quyết định chế tài theo quy định tại Điều 6 Nghị định 02/2011 xử phạt những đối tượng cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo tác nghiệp. Đáng nói, chế tài này từng được nêu tại Nghị định 56 và Nghị định 31 cách đây cả chục năm nhưng cũng chỉ là các khẩu hiệu trên giấy và các đối tượng cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nếu hành vi của họ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nói về nguyên nhân công cụ hành chính không phát huy được để bảo vệ quyền tác nghiệp chính đáng của nhà báo thì có nhiều, như chế tài này chưa được truyền thông rộng rãi, nhận thức của nhà báo về việc sử dụng công cụ này còn quá yếu nên chỉ nhăm nhăm đòi khởi tố đối tượng cản trở... song điều cốt lõi chính là việc các cơ quan nhà nước còn né tránh trách nhiệm của mình.

Cụ thể, trách nhiệm kiểm tra giám sát việc thực thi Luật Báo chí, trong đó có quy định bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo thuộc về Bộ TT&TT, song cả chục năm nay thanh tra TT&TT các cấp chưa hề xử phạt được vụ nào trong lĩnh vực này. Trong khi đó, tình trạng ngang nhiên xâm phạm Luật Báo chí, mà điển hình nhất là các kiểu cản trở đã xuất hiện trong quá trình báo chí tác nghiệp ở Tiên Lãng nhưng đến nay thanh tra vẫn chưa có động thái nào xử lý các đối tượng vi phạm, như né tránh cung cấp thông tin, đưa ra thông tin sai v.v...

Chính vì thế, việc Công an TP Buôn Ma Thuột tiên phong trong công cuộc bảo vệ nhà báo hành nghề bằng chuyện ra quyết định xử phạt đối tượng cản trở nhà báo theo Nghị định 02/2011 là việc làm rất đáng hoan nghênh, nhất là khi xã hội đã có câu trả lời rằng lợi ích chung sẽ bị thiệt hại khi nhà báo bị cản trở với số bình chọn lên tới 76%!

5 triệu đồng nhưng thật nhọc nhằn vì mất đến 10 năm!     

BẰNG LĨNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm