TƯỜNG TRÌNH TỪ XƯỞNG MAY ĐEN

102 lao động ký tên khẩn thiết xin về nước

Như báo Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin về việc người lao động ở Công ty Vinastar Nga liên tục kêu cứu đến các cơ quan chức năng mong được giải thoát khỏi cuộc cống khổ sai tại xưởng may đen của công ty này. Hôm qua, nguồn tin từ các lao động ở xưởng may Vinastar tại Nga cho biết khoảng 2 giờ chiều 29-5, đoàn đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nga do ông Nguyễn Huỳnh Anh dẫn đầu đã đến xưởng may và tiếp xúc với các công nhân Việt Nam đang làm việc tại đây. Đây là điều mà hơn 100 lao động đã mỏi mòn trông chờ suốt gần nửa tháng qua từ khi họ gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng tại Việt Nam.

Gặp đại diện đại sứ quán, niềm mong ước nửa tháng qua

Theo thông tin từ người lao động cung cấp, trước khi đại diện Đại sứ quán Việt Nam đến làm việc, xưởng may này đã có nhiều động thái chuẩn bị, lau dọn, vệ sinh khu vực xưởng may, đồng thời bổ sung thêm thức ăn tươi và cho uống nước lọc, thay vì trước đó công nhân phải tự găm sôi nước để uống. Công nhân khẳng định: “Đây chỉ là cách để che mắt cơ quan chức năng về môi trường làm việc tồi tệ mà họ phải gánh chịu trong suốt thời gian qua”. Một mặt công ty khuyến dụ sẽ thay đổi điều kiện làm việc, sẽ nâng lương, giảm giờ làm, mặt khác họ lại ngưng cung cấp card nạp tiền điện thoại, cắt điện khu ăn ở, nhà vệ sinh… Đêm 28-5, các lao động tại xưởng may đã bàn bạc cử ra ban đại diện gồm bảy người để làm việc với cơ quan chức năng và đại diện Công ty Vinastar phòng khi chủ không cho toàn thể công nhân được gặp đoàn công tác của Đại sứ quán.

102 lao động ký tên khẩn thiết xin về nước ảnh 1

Bữa ăn kham khổ của người lao động tại xưởng may Vinastar. Ảnh do người lao động cung cấp

May sao, theo yêu cầu của đoàn công tác của đại sứ quán, toàn thể người lao động đã được gặp đoàn và đại diện Công ty Vinastar. Cuộc đối thoại đã kéo dài sôi nổi từ 11 giờ đến 14 giờ 30 (giờ Nga). Tại cuộc gặp, người lao động đã lần lượt trình bày họ được tuyển dụng và ký hợp đồng lao động ban đầu với điều kiện rất tốt. Lương tháng 500 USD, ngày làm việc 8 giờ, tháng làm việc 26 ngày, chỗ ăn ở được công ty cung cấp miễn phí. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, điều kiện làm việc, đời sống ở đây hết sức cơ cực ngặt nghèo. Mỗi ngày làm việc từ 14 đến 16 tiếng đồng hồ, bị giam trong xưởng không được bước chân ra ngoài, người bệnh không được khám, chữa trị, vẫn phải làm việc bình thường... Đặc biệt, sống làm việc theo chế độ khổ sai như vậy nhưng bốn tháng qua họ không có lương, tất cả thu nhập bị trừ vào tiền ăn ở, tiền phạt. Thậm chí nhiều người bị phạt đến âm lương, phải mang nợ công ty.

Không thể tin lời hứa của công ty

Đại diện Công ty Vinastar là ông Nguyễn Quang Tuân và bà Trần Kim Dung đã thừa nhận thực trạng công nhân phản ánh và giải thích do lỗi cấp dưới, do sơ hở quản lý, do năng suất lao động thấp và hứa sẽ cải thiện điều kiện làm việc, đời sống ngay trong ba tháng tới. Họ kêu gọi người lao động tiếp tục ở lại làm việc.

Bước đầu đại diện đại sứ quán ghi nhận ý kiến người lao động và giải thích cho rằng do người lao động mới sang nên tay nghề còn yếu, thu nhập thấp. Mặc dù các công nhân bày tỏ nguyện vọng được giải thoát khỏi xưởng may này và về Việt Nam nhưng đại diện cơ quan này chỉ đứng ra hòa giải, theo hướng hai bên thương lượng để người lao động tiếp tục ở lại làm việc tại xưởng may.

Người lao động ở xưởng may đã kiên quyết khẳng định họ quá sức kinh hoàng về điều kiện ăn ở làm việc tại đây. Do công ty đã vi phạm hợp đồng họ không thể tin tưởng vào lời hứa của phía doanh nghiệp, sức khỏe của họ bị vắt kiệt trong thời gian lao động tại đây. 102 người lao động đồng lòng ký tên đề nghị đại diện sứ quán có giải pháp giải cứu họ và yêu cầu công ty phải đưa họ về Việt Nam. Người lao động cũng khẩn thiết kiến nghị đại sứ quán có biện pháp bảo đảm an toàn sinh mệnh cho họ cho tới khi về đến Việt Nam.

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã ghi nhận những kiến nghị này và hẹn sẽ chính thức trả lời trong tuần sau. Trong khi chờ đợi câu trả lời chính thức, người lao động tại Nga vui mừng, phấn khởi trước sự tích cực, lắng nghe của đại diện sứ quán.

Người lao động cũng đã cung cấp cho báo Pháp Luật TP.HCM một số video clip do họ tự quay, tự kể tại xưởng may của công ty Vinastar. Trưa nay, báo Pháp Luật TP.HCM sẽ đưa thông tin này lên Pháp Luật TP.HCM online tại địa chỉ www.phapluattp.vn.

Trong ngày hôm qua, hơn 40 đại diện thân nhân người lao động tại Việt Nam cũng tiếp tục liên hệ với Cục Quản lý lao động nước ngoài của Bộ LĐ-TB&XH, các cơ quan truyền thông đại chúng, các cơ quan chức năng để nộp đơn cầu cứu cho người thân được trở về Việt Nam.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm