TP.HCM mạnh tay triệt nhà không phép

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, tới ngày 15-8 phải xử lý xong hơn 2.600 trường hợp xây dựng không phép trước và sau ngày 15-5. Lực lượng Thanh tra xây dựng đang khẩn trương thực hiện chỉ đạo này và dự kiến trong ngày 16-7 sẽ tháo dỡ 15 căn nhà không phép ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.

Tự tháo dỡ trước

Theo ghi nhận, một ngày trước khi Tổ công tác của Sở Xây dựng tiến hành cưỡng chế, một số người dân tại hai xã “nóng” Bình Hưng và Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đã tự tháo dỡ nhà không phép.

Tại đường Quách Điêu, ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, dù trời đã nhập nhoạng tối nhưng vợ chồng anh Thân Đức Hiếu vẫn đang loay hoay cùng người quen tháo dỡ căn nhà vừa mới xây ba tháng trước. Anh Hiếu cho biết hai vợ chồng dành dụm và vay mượn mãi mới mua được mảnh đất này bằng giấy tay. Do xã chưa có quy hoạch chi tiết nên đây vẫn là đất nông nghiệp, không chuyển được thành đất ở.

TP.HCM mạnh tay triệt nhà không phép ảnh 1

Anh Thân Đức Hiếu, ấp 1, xã Vĩnh Lộc A đang tự tháo dỡ căn nhà xây không phép của mình. (Ảnh chụp chiều 15-7) Ảnh: X.NGỌC

“Biết xây nhà không phép là trái pháp luật nhưng vợ chồng tôi vẫn xây đại vì thấy xung quanh mọi người đều thế. Hơn nữa, cả nhà chỉ mong muốn có chỗ chui ra chui vào nên mới liều như vậy” - anh Hiếu nói.

Khi nhận được thông báo sẽ bị cưỡng chế vào ngày 16-7, vợ chồng anh Hiếu vội vàng tự tháo dỡ để mong gỡ gạc được chút đỉnh từ phần vật liệu xây dựng. Số tiền 130 triệu đồng đổ vào xây nhà giờ chỉ còn là những đống vật liệu ngổn ngang. Cha mẹ anh giờ phải xuống ở cùng gia đình người chị gái ở quận Tân Bình, còn vợ chồng anh và đứa con nhỏ 15 tháng tuổi tạm đi ở nhờ nhà người quen.

Tại xã Bình Hưng hiện còn hơn 50 căn nhà không phép. Có 15 trường hợp sẽ xử lý dứt điểm trước ngày 30-7. Hiện có chín căn đã được người dân tự tháo dỡ. Ông Nguyễn Hữu Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, cho biết xã đang vận động những trường hợp còn lại tự tháo dỡ để tránh thiệt hại thêm tài sản.

Dựng rào tôn để… giữ đất!

Những trường hợp tự nguyện như trên còn khá ít, ngược lại vẫn còn một số người tìm mọi cách đối phó. Tại một con hẻm trong khu vực C7 đường Phạm Hùng, ấp 4, xã Bình Hưng, chúng tôi thấy hơn chục lô đất được rào kín bằng tôn cao hơn 2 m. Có những lô đất đã được đổ móng, làm nền, cũng có những lô đã xây dở các bức tường. Chủ những lô đất đều để lại số điện thoại trên tấm tôn. “Những lô đất này được xây dựng dở dang vào ban đêm cách đây vài tháng. Sau khi bị xã phát hiện, chủ đất gần như không thấy xuất hiện nữa” - chị Phạm Thị Hiền, sống gần khu vực này, cho biết.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Tâm cho biết các trường hợp trên đều đã bị xã tháo dỡ nhiều lần. Tuy nhiên, chủ đất không chịu dỡ bỏ những tấm hàng rào bằng tôn với lý do rào để giữ đất. “Chúng tôi buộc phải bố trí lực lượng giám sát, kiểm tra thường xuyên để ngăn chặn họ tái phạm” - ông Tâm cho hay. Cũng theo ông Tâm, khu vực này hiện có một số đối tượng vẫn tiếp tục lén lút phân lô, bán nền, xã đang làm rõ.

“Có nghe thông tin tiêu cực”

Theo ông Thiều Văn Se, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, xã hiện còn 155 trường hợp phải cưỡng chế tháo dỡ từ nay cho đến ngày 15-8. Trong hôm nay, Tổ công tác do Sở Xây dựng chủ trì sẽ phối hợp với địa phương cưỡng chế tháo dỡ 15 căn tại ấp 1A, 1B và ấp 2 của xã. Thanh tra Sở Xây dựng cho hay theo kế hoạch, mỗi tuần sẽ có ba ngày thực hiện cưỡng chế tại các xã.

Đáng chú ý, theo phản ánh của người dân, hai xã Bình Hưng và Vĩnh Lộc B đang xuất hiện hiện tượng bảo kê, chung chi để xây lụi. Lãnh đạo hai xã này đều cho biết có nghe thông tin tiêu cực nhưng chưa phát hiện được trường hợp cụ thể để xử lý. “Chúng tôi có nghe thông tin về việc có hiện tượng bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng xây dựng không phép. Tuy nhiên, các thông tin đều không có địa chỉ, tên tuổi cụ thể nên không có cơ sở để xử lý. Quan điểm của xã là sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện” - ông Tâm nói.

Trong ngày 15-7, lãnh đạo huyện Bình Chánh đã kiểm tra việc xử lý nhà không phép tại xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B. Ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho hay khó khăn lớn nhất của các xã hiện nay là kinh phí và lực lượng thực hiện tháo dỡ. Huyện sẽ tiếp tục bổ sung lực lượng để hỗ trợ cho công tác này.

Việc xử lý nhà xây không phép sẽ ưu tiên làm trước các trường hợp mới bỏ móng, dựng cột hoặc xây dựng dở dang. Trường hợp đã có người vào ở thì sẽ vận động người dân tự tháo dỡ để đỡ thiệt hại tài sản. Nếu dân không chấp hành mới tiến hành cưỡng chế.

Ông TRẦN TRỌNG TUẤN, Giám đốc Sở Xây dựng (phát biểu tại kỳ họp HĐND ngày 12-7)

Vừa qua có một số người được cho phép sửa nhà (xây hợp pháp) theo hiện trạng cũ và điều này không vi phạm. Nhưng nhiều người không hiểu, lại thắc mắc vì sao những căn nhà đó được tồn tại. Tôi khẳng định tất cả trường hợp xây dựng không phép đều sẽ bị tháo dỡ.

Để ngăn chặn xây nhà không phép, Nhà nước cần sớm rà soát quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ dự án để đưa đất nông nghiệp vào sử dụng. Xã Bình Hưng có rất nhiều dự án thực hiện dang dở hoặc bị “treo” lâu nay. Dự án không thực hiện, đất đai bỏ hoang hóa, trong khi nhà dân xây xong phải đập bỏ vừa thiệt hại tài sản của dân, vừa lãng phí tiền của Nhà nước.

Ông NGUYỄN HỮU THÀNH TÂM,Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh

VIỆT HOA - XUÂN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.