TP.HCM chưa phạt xe không bình chữa cháy

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, có nên bắt buộc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô?

Sáng 8-1, Đại tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM (PC67), khẳng định với Pháp Luật TP.HCM: “Đây là quy định nhằm bảo vệ tài sản, an toàn tính mạng cho người dân nhưng nó còn quá mới nên PC67 thực hiện tuyên truyền trước. Còn đến khi nào kiểm tra, xử phạt, đơn vị đang chờ chỉ đạo từ cấp trên”.

Chờ hướng dẫn

Theo Đại tá Trần Thanh Trà, những ngày qua, dù Thông tư 57/2015 của Bộ Công an đã có hiệu lực thi hành (từ ngày 6-1) nhưng các cơ quan chức năng vẫn phải chờ Bộ Công an có hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn về chủng loại, dung tích từng loại bình chữa cháy gắn sao cho phù hợp với từng loại xe (bốn chỗ, chín chỗ, 16 chỗ…). Cạnh đó, trước khi xử phạt theo quy định, PC67 dự kiến phối hợp với Sở Cảnh sát PCCC mở các lớp hướng dẫn lái, chủ xe lắp đặt bình trên xe cho an toàn, đúng vị trí, dễ lấy khi có sự cố và cách sử dụng bình.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong các quy định về kiểm định xe và điều kiện kinh doanh vận tải của Bộ GTVT thì chỉ buộc ô tô chở khách từ 16 chỗ trở lên, xe chở hàng dễ cháy nổ phải gắn bình chữa cháy. Với các loại xe mà Thông tư 57/2015 của Bộ Công an quy định phải có bình chữa cháy thì các trung tâm đăng kiểm chỉ thông báo là có thông tư đó và vẫn kiểm xe như thường ngày. “Việc từ chối kiểm định xe chưa gắn bình chữa cháy thì Đăng kiểm Việt Nam còn chờ chỉ đạo từ Bộ GTVT hoặc là ý kiến, văn bản của liên bộ Công an - GTVT” - ông Trí nói.

Một lái xe dùng bình chữa cháy của xe mình để dập tắt lửa xe khi bị sự cố. Ảnh: LĐ

Nhiều xe đang có bình chữa cháy

Theo Thông tư 57/2015 (hướng dẫn về trang bị thiết bị PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ), từ ngày 6-1, cảnh sát PCCC sẽ phối hợp với lực lượng CSGT kiểm tra, xử phạt đối với chủ phương tiện ô tô từ bốn chỗ trở lên nếu không trang bị phương tiện PCCC.

Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, ngày 8-1, tại Bến xe Miền Tây (BXMT), các xe khách từ 16 chỗ trở lên đều được trang bị bình chữa cháy trước khi có Thông tư 57/2015 của Bộ Công an. Ông Nguyễn Bá Sáng - Giám đốc Xí nghiệp vận tải 2 - Công ty CP Xe khách và DV Miền Tây (Mitaco), bà Lê Thị Ngọc Giàu - Giám đốc điều hành hãng xe Phương Trang tại BXMT, cho biết tất cả các xe đều có bình PCCC. Mỗi tháng hoặc mỗi quý, BXMT đều kiểm tra, nếu đủ điều kiện xe mới được hoạt động.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng phòng Điều hành BXMT, xác nhận điều này.

Cùng ngày, theo ghi nhận, tại nhiều điểm bán bình chữa cháy trên địa bàn TP.HCM đều “cháy” hàng. Đơn cử như Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Bảo hộ lao động Nét Mới (quận Tân Phú) không còn bình chữa cháy nào để phân phối. Công ty TNHH Thiết bị PCCC Trần Sang (quận Bình Tân) thì khá hơn, chỉ còn hai bình chữa cháy loại 500 ml và hai bình loại 1.000 ml...

“Không ngại cháy nổ bình”

TP.HCM chưa phạt xe không bình chữa cháy ảnh 2
 
Trước nhiều ý kiến không đồng tình với quy định phạt ô tô không có bình chữa cháy vì sợ mang bom nổ chậm, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với Đại tá Đoàn Hữu Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn (ảnh). Ông Thắng cho biết việc lắp đặt bình cứu hỏa trên xe là cần thiết. Khi xây dựng Luật PCCC cách đây 15 năm, cơ quan chức năng đã đặt ra vấn đề này. Đến năm 2013, luật sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ.

Ông Thắng thông tin sau khi thông tư có hiệu lực, nhiều ý kiến nghi ngờ về tính pháp lý của nó. Cục Kiểm tra văn bản đã vào cuộc và khẳng định thông tư có đủ cơ sở pháp lý. Trước khi ban hành thông tư, Bộ Công an cũng đã khảo sát, phần lớn người có ô tô đều ủng hộ.

Trước tiên, cần khẳng định rằng bình chữa cháy không thể gây ra cháy vì bản thân nó là bình chữa cháy. Về việc nổ, có hai dạng nổ gồm hóa học và lý học. Với hóa học là do các chất xúc tác với nhau, tạo ra nổ. Tuy nhiên, bình chữa cháy không có các chất hóa học. Còn với lý học, do khí hoặc chất chữa cháy trong bình giãn nở, vỏ bình không chịu được sẽ dẫn tới nổ. Những bình cứu hỏa đã được kiểm định, cộng với van an toàn thì tài xế không cần đáng ngại gì về việc nổ bình.

Bình cứu hỏa theo quy định của nhà sản xuất có nhiệt độ bảo quản từ -7 độ C đến 55 độ C. Thế nhưng trên thực tế có khi nhiệt độ trong xe lên tới 60 độ C. Việc bình có chịu được nhiệt độ vượt quá này hay không thì phải kiểm tra và đánh giá đầy đủ. Về khuyến cáo, tốt nhất không nên đậu xe ở các vị trí nắng nóng. Nếu không còn lựa chọn thì tài xế nên mua sắm các vật dụng tráng kim phản xạ ánh sáng, đặc biệt là những phần có kính, nếu trùm cả xe thì càng tốt. Hoặc tài xế cũng có thể mở cửa kính để hạ nhiệt.

Đại tá Đoàn Hữu Thắng khẳng định rằng mục tiêu xây dựng thông tư này là hướng tới an toàn cho người dân và tài sản, không vì bất cứ lợi ích nào khác. Hiện nay các đơn vị vẫn yêu cầu chấn chỉnh cán bộ, chiến sĩ, tránh quan hệ hay giới thiệu mua bình hộ người khác dẫn tới hiểu lầm câu kết, lợi ích nhóm…

__________________________________

Ở Dubai, Bộ Giao thông và đường tải (RTA) cho biết bình chữa cháy bắt buộc phải được trang bị trên các loại xe hạng nặng cũng như xe buýt. Tuy nhiên, đối với xe hạng nhẹ thì điều này không bắt buộc.

Trước đó, vào mùa hè năm 2013, khi có tin bắt buộc xe hơi phải có bình chữa cháy, tuy quy định này không được ban bố trên toàn quốc nhưng vẫn nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm