Tòa án còn làm thay đương sự nhiều quá

Sáng 23-5, các ĐBQH bước vào phiên thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Huỳnh Thành Lập cho rằng, đây là dự án luật rất quan trọng, vì vậy các ĐB cần phải phân tích vừa phải bàn kỹ. Hiện đoàn TPHCM đã từng lấy ý kiến nên đã tập hợp tài liệu thành 13 trang, trong này có nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có ý kiến trái chiều nhau.

Phiên thảo luận tổ của đoàn TP HCM diễn ra rất “nóng” với nhiều phần tranh luận gay gắt và góp ý thẳng vào vấn đề sửa luật lần này.

ĐB Đỗ Văn Đương, cho rằng, nhìn chung Luật tố tụng dân sự sửa đổi chỉ mới sửa đổi tiểu tiết chứ chưa sửa đổi căn bản trong tố tụng. “Án dân sự rất phức tạp, hàng năm có trên 100.000 vụ tranh chấp, tranh chấp ngày càng gia tăng. Trước đây, tranh chấp trong dân sự chủ yếu là động sản thôi nhưng bây giờ là tranh chấp về bất động sản. Hiện 90% khiếu kiện xảy ra và giải quyết bằng con đường tòa án. Anh em trong gia đình, bố mẹ với con cái khiếu kiện nhau. Nhiều vụ lòng vòng xử lý đi xử lại 10-20 năm mà công lý vẫn chưa đạt được. Vì sao lại như vậy, có phải pháp luật của mình chưa hoàn thiện? Bởi vì pháp luật của mình chung chung quá, pháp luật điều chỉnh về tài sản chưa cụ thể, thẩm phán còn phải dự vào Nghị quyết và lương tâm tình cảm để giải quyêt”, ĐB Đương nhấn mạnh.

Theo ĐB Đương, đất đai lên giá nên lòng tham của con người trỗi dậy. Nổi lòng tham rồi thì kiện tụng quyết liệt xảy ra kể cả trong anh em họ hàng.

Cũng theo ĐB Đương, các giao dịch nhà dất giấy tờ viết tay không có hợp đồng chứng thực còn nhiều nên khi ra giải quyết rất khó khăn.

“Còn tồn nhiều vụ về đất đai vì giấy tờ viết tay nhưng thực tế thì tiền trao cháo múc rồi, hai bên đều công nhận giấy viết tay là có thật vậy sao không thụ lý”, ĐB Đương nêu.

ĐB này ví von: “Người ta lấy nhau, ăn ở với nhau có mấy đứa con rồi mà chưa đăng ký thì chúng ta cũng phải thừa nhận họ là vợ chồng chứ”.

ĐB Đỗ Văn Đương cũng cho rằng, tòa án còn làm thay đương sự nhiều quá. Tòa án tự đi thu thập chứng cứ rồi lại đi xét xử thì người ta nói không minh bạch. “Trong luật sửa đổi lần này cần phải nhấn mạnh hơn việc tự thu thập chứng cứ và sự tự chứng minh của đương sự. Không phải mọi tranh chấp đều ra tòa án là hay đâu, chỉ vạn bất đắc dĩ mới làm thế thôi. Tòa án phải giảm dần vai trò của tòa án trong việc thủ thập chứng cứ, tóa án chỉ hỗ trợ người dân thu thập thôi. Ví dụ tòa án yêu cầu các cơ quan công quyền cung cấp thông tin cho người dân tự thu thập chứng cứ”, ĐB Đương góp ý.


Phiên thảo luận của Đoàn ĐBQH TP.HCM. LÊ PHI

Theo ĐB Đương, đương sự chưa tin vào tòa án cấp dưới mà chỉ tin vào giám đốc thẩm. Nên rất nhiều vụ án đã xử rồi nhưng vẫn lại xử giám đốc thẩm, khi xử giám đốc thẩm thì đương sự mới cung cấp chứng cứ mới chứ không cung cấp khi xử tòa cấp dưới. “Tôi đề nghị ấn định thời điểm cung cấp chứng cứ trong xét xử. Phải có quy định thời điểm giao nộp chứng cứ chứ không thể để điều này gây rất nhiều khó khăn trong xét xử”, ĐB Đương nhấn mạnh.

ĐB Đương cũng cho rằng: người ta vẫn nói thủ tục hành chính rườm ra nhưng thủ tục tư pháp còn rườm rà hơn, rồi lại đốt tiền của nhà nước vì sự rườm rà này. “Có rất nhiều vụ án đơn giản thì phải rút gọn trình tự, một thẩm phán xử lý là được rồi, chứ cứ để kéo dài trình tự làm gì cho tốn kém, rườm rà ra”, ĐB Đương nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB Đương cần phải giảm bớt sự can thiệp của tòa án vào quá trình thu thập chứng cứ để tạo ra sự công bằng. ĐB Đương cũng cho rằng, còn có nhiều thẩm phán còn “tạo điều kiện” để người ta không thể hòa giải được. Vì vậy cần phải nâng tỷ lệ hòa giải này lên cao hơn nữa. Luật cần phải đề cao sự tự định đoạt và tự chứng minh của đương sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm