Tìm phản biện khoa học việc thu phí ô tô vào trung tâm

Chiều 5-3, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chủ trì cuộc họp với các sở, ngành về đề án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông.

Tìm phản biện khoa học việc thu phí ô tô vào trung tâm ảnh 1

Vẫn còn nhiều băn khoăn về biện pháp và thời điểm thực hiện thu phí ô tô vào trung tâm TP. Ảnh: MP

Giảm kẹt xe, tăng thu ngân sách

Tiêu điểm

1.200

tỉ đồng vốn đầu tư cho dự án này dự kiến sẽ được hoàn lại sau hai năm với mức phí liên tục gia tăng.

Đề án đề xuất xây dựng 35 cổng thu phí đa làn, không dừng, áp dụng công nghệ giao tiếp sóng ngắn và nhận diện biển số tự động trên vành đai khép kín toàn vùng quận 1, 3. Cụ thể vành đai thu phí gồm các tuyến đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với Cách Mạng Tháng Tám), Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt và Tôn Đức Thắng.

Mục đích của đề án nhằm hạn chế ùn tắc khu vực trung tâm và các trục giao thông chính kết nối với trung tâm; đồng thời thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân. Đề án còn tạo nguồn thu cho ngân sách để đầu tư trở lại cho hạ tầng.

Theo đơn vị lập báo cáo nghiên cứu khả thi đề án (Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong - ITD), việc thu phí sẽ kéo giảm 60%-64% lượng ô tô vào trung tâm TP. Cùng đó lượng xe máy sẽ tăng khoảng 12%, xe buýt tăng 18%. Mức phí khi bắt đầu áp dụng sẽ là 30.000 đồng đối với ô tô bảy chỗ trở xuống và 50.000 đồng đối với các loại xe khác. Hai năm sau, mức phí tăng lên lần lượt là 40.000 và 70.000 đồng (mức phí có thể điều chỉnh tùy thuộc vào giờ cao điểm hay thấp điểm). Việc thu phí sẽ thực hiện từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, dự kiến trong hai năm sẽ có thể hoàn vốn đầu tư (gần 1.200 tỉ đồng).

Còn nhiều vấn đề cần làm rõ

Góp ý tại cuộc họp, đại diện một số sở, ngành cho rằng: Dư luận đang băn khoăn về việc hiện có quá nhiều loại phí người dân phải gánh, trong khi chưa biết tính khả thi của giải pháp này đối với chống ùn tắc giao thông ra sao. Cạnh đó, việc xe taxi và xe tải bị thu phí khi vào trung tâm TP sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, kéo giá cả hàng hóa tăng theo. Mặt khác, TP cũng chưa có nhiều bãi đậu xe cả trong trung tâm và phía ngoài nội thành nên khi triển khai dự án người dân sẽ không biết phải để xe ở đâu. Một vấn đề nữa là hiện chưa có các quy định pháp lý về thu phí lưu thông vào trung tâm TP và xử phạt xe không đóng phí, do đó công an không thể xử lý được.

Cũng có ý kiến đặt vấn đề: Khi triển khai dự án thì lượng xe máy sẽ tăng lên, lúc đó giải quyết ra sao? Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc ITD, nhìn nhận thời gian đầu khi tổ chức thu phí, việc tăng xe máy là tất yếu. Phải đợi đến năm 2017, khi TP có tuyến metro đầu tiên, đồng thời lượng xe buýt tăng, chất lượng dịch vụ vận tải công cộng được cải thiện thì nhu cầu đi xe máy sẽ giảm dần.

“Thu phí chỉ là một trong nhiều biện pháp để chống kẹt xe. Thế nên đề án này cần được kết hợp với những biện pháp khác như tổ chức giao thông, phát triển phương tiện giao thông công cộng; tổ chức quy hoạch phát triển đô thị; xây mới, mở rộng cầu đường hiện hữu…” - ông Quân nói.

Cần nhiều ý kiến dư luận

Theo Sở GTVT, đề án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội như cải thiện ùn tắc, giảm kẹt xe, ô nhiễm, bổ sung nguồn thu cho ngân sách… Tuy nhiên, việc thu phí ô tô vào trung tâm sẽ tác động lớn đến cuộc sống người dân (đặc biệt là người dân sống trong khu vực trung tâm), gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau. Vì vậy cần báo cáo, giải trình trước HĐND TP và các tổ chức chính trị, xã hội để có sự thống nhất và đồng thuận của dư luận.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Tín đề nghị Sở GTVT và ITD tiếp thu góp ý của các sở, ngành, phải làm sao để đề án có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của TP. Hai đơn vị cần sớm hoàn thiện đề án, sau đó phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức lấy ý kiến dư luận trong xã hội, đặc biệt là các chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực này để có các phản biện khoa học xác đáng nhất. Lãnh đạo TP cũng yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc tính toán lại việc quy hoạch các hầm để xe trong trung tâm và ngoại thành TP nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân khi thực hiện dự án thu phí.

Buộc xe phải gắn OBU mới thu phí được

Việc thu phí được thực hiện hoàn toàn tự động thông qua trung tâm điều khiển, hệ thống cổng thu phí và những thiết bị gắn trên xe (OBU). Mỗi OBU sẽ liên kết với một tài khoản ngân hàng để trả phí tự động khi ô tô qua các cổng thu phí. Tại các cổng thu phí sẽ có thiết bị và camera chuyên dụng nhằm ghi nhận các thông tin của ô tô khi xe đi vào khu vực thu phí.

Như vậy, giải pháp thu phí nếu được thông qua cũng sẽ không thực tế nếu thiếu quy định bắt buộc ô tô vào vùng thu phí phải gắn OBU. Cạnh đó, hiện cũng chưa có quy định xử phạt những trường hợp vào vùng thu phí mà không đóng phí.

N.NAM - M.PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm