Thủy điện Tây Nguyên và hệ lụy - Bài 2: Sông khô, dân khát

Thủy điện Thượng Kon Tum trên sông Sê San khởi công vào tháng 9-2009. Theo thiết kế, lượng nước sau khi qua nhà máy sẽ chuyển sang lưu vực sông Trà Khúc góp phần cung cấp nước cho vùng hạ lưu ở Quảng Ngãi.

Hạ lưu thiếu nước

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Cao - Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Kon Tum, việc chặn dòng để chuyển nước về sông Trà Khúc sẽ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt và suy giảm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Sê San. Nó sẽ làm giảm lưu lượng nước vào các hồ chứa và mất đi khoảng 321 triệu kWh của các nhà máy thủy điện ở hạ lưu như Yaly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4.

Tương tự, thủy điện An Khê-Kanak (đã phát điện tháng 6-2011) nằm trên sông Ba (Gia Lai) được xây dựng thành hai bậc than: Trên là thủy điện Kanak, dưới hạ lưu là thủy điện An Khê. Lượng nước của nhà máy này sẽ bị chặn dòng ở hạ lưu để chuyển nước về sông Kôn (Bình Định) khiến lưu vực sông Ba thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu dân và hoạt động sản xuất.

Trước đó, khi hai nhà máy An Khê-Kanak triển khai xây dựng, cả tỉnh Gia Lai và Phú Yên đều phản đối việc cải tạo dòng chảy của sông Ba. Tuy nhiên, sau đó nó vẫn được phê duyệt. Phía chủ đầu tư đưa ra lợi ích lớn của dự án là cung cấp 685 triệu kWh điện/năm và tưới nước cho gần 5.000 ha đất sản xuất lưu vực sông Kôn. Tuy nhiên, vấn đề thiệt hại do cạn kiệt nước cho lưu vực sông Ba ở hạ lưu thì lại bỏ ngỏ.

Cuối năm 2010, chỉ sau ba tháng thủy điện này tích nước, Nhà máy nước An Khê cung cấp nước cho gần 80.000 dân đã phải đóng cửa do không còn nước. 28 km sông Ba chảy từ thị xã An Khê đến huyện Kông Chro cũng trở thành dòng sông chết.

Thủy điện Tây Nguyên và hệ lụy - Bài 2: Sông khô, dân khát ảnh 1

Thủy điện PleiKrông ngăn dòng khiến hạ lưu suy giảm nước trầm trọng. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Cần tiếng nói trung thực trong thẩm định

Tại Kon Tum, theo Sở TN&MT tỉnh thì ngoài năm dự án thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của Bộ TN&MT, toàn tỉnh có 31 dự án đã có báo cáo tác động môi trường (ĐTM), bản cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các dự án thực hiện không đúng theo nội dung báo cáo ĐTM, như chưa có kế hoạch điều tiết nước liên hồ chứa, chưa đảm bảo dòng chảy tối thiểu gây nên nhiều đoạn sông chết, chưa có kế hoạch trồng rừng để bù vào diện tích rừng bị mất.

Theo ông Nguyễn Thanh Cao - Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Kon Tum thì việc đánh giá ĐTM và công tác đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cần phải được làm song hành cùng một lúc và bảo đảm nguyên tắc khách quan chứ không phải cắt dán, sao chép từ dự án này qua dự án khác. “Đối với các ĐTM, ĐMC trước khi trình lên cơ quan thẩm định, tôi nghĩ cần có một tổ chức độc lập để phản biện lại những báo cáo mà chủ đầu tư đưa ra. Nếu muốn như vậy, Nhà nước phải có cơ chế mang tính chế tài cho hoạt động tư vấn, phản biện độc lập và bắt buộc các dự án thủy điện đều có đơn vị tư vấn, phản biện độc lập. Khi trình dự án cho cấp thẩm quyền phê duyệt cũng cần có một hội đồng khoa học phản biện” - ông Cao kiến nghị.

Thủy điện Tây Nguyên và hệ lụy - Bài 2: Sông khô, dân khát ảnh 2

Kênh dẫn nước thủy điện Đăk Nung bị vỡ vào tháng 11-2010 gây cô lập hàng trăm hộ dân. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

PGS-TS Phùng Đắc Hy - Viện trưởng Viện Sinh thái - Môi trường cho rằng: “Hội đồng thẩm định và phê duyệt các ĐTM thủy điện hiện thiếu tiếng nói của các nhà khoa học chân chính, am hiểu lĩnh vực. Tình trạng đánh giá ĐTM gian dối đang trở thành căn bệnh nghiêm trọng trong các dự án thủy điện. Ông cho rằng nếu cứ thi nhau làm thủy điện mà không lường trước những tác động nghiêm trọng đến môi trường và con người thì Chính phủ nên dừng lại. Với hệ thống thủy điện bậc thang, nếu không kiểm soát và đánh giá một cách trung thực thì nguy hiểm rất lớn. Nếu vỡ một đập chứa sẽ gây ra thảm họa vỡ đập liên hồ”.

PGS-TS Phùng Đắc Hy kiến nghị phải xem xét ĐMC trên toàn hệ thống lưu vực sông trong bậc thang thủy điện. Như lưu vực Sê San, sông Ba, Sêrêpôk, Đồng Nai thì cần phải có đánh giá tổng thể các tác động về môi trường, rừng, sinh vật, dòng chảy, sinh kế cộng đồng… Ngành điện và cơ quan quản lý nhà nước phải xem xét toàn bộ lưu vực sông, của bậc thang thủy điện. Hiện tại hội đồng thẩm định chỉ thẩm định từng dự án thủy điện chứ không xem xét tổng thể toàn lưu vực.

Kiến nghị thành lập ủy ban lưu vực sông Ba

Tháng 4-2011, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản gửi Bộ TN&MT đã kiến nghị sớm công bố dòng chảy tối thiểu trên sông Ba để làm căn cứ quản lý tài nguyên nước trên lưu vực, nhằm đảm bảo dòng chảy tối thiểu để duy trì dòng sông, bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và đảm bảo mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước. UBND tỉnh Gia Lai cũng kiến nghị thành lập ủy ban lưu vực sông Ba để ủy ban này tham mưu, tư vấn các cấp chính quyền về công tác quản lý tài nguyên nước trong lưu vực. Đồng thời, lập quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên sông Ba được phân bổ hợp lý.

NGUYỄN ĐỨC

Kỳ sau: Nhường đất cho thủy điện rồi… đói

Người dân đói vì thiếu đất sản xuất, thiếu nước tưới, trẻ em theo cha mẹ vào rừng hái rau đổi gạo. Đó là tình cảnh của nhiều người dân đã nhường đất cho thủy điện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm