Thủ tướng: Quyết liệt trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

Một trong những nhiệm vụ Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh là tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu kinh tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Một trong những nhiệm vụ Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh là tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu kinh tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, thời gian qua, những kết quả đạt được về tăng trưởng có dấu hiệu đáng mừng. Tăng trưởng đạt được chủ yếu là do tăng trưởng công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo. Cùng với đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát và điều hành theo mục tiêu; các hoạt động về đầu tư, thu hút đầu tư cũng phát ra những tín hiệu tích cực, nhất là trong thu hút đầu tư nước ngoài; xuất khẩu được phục hồi và duy trì đà tăng trưởng;…
Thống đốc cũng đồng tình với các nội dung trong dự thảo Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020, khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các Bộ, ngành hữu quan trong triển khai thực hiện chủ tương phát hành trái phiếu này.

Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát cho rằng 2 vấn đề khó khăn lớn nhất của nông nghiệp hiện nay là hạn hán và thị trường. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả tiêu cực do hạn hán gây ra, cũng như phối hợp chặt chẽ với các địa phương thường xuyên xảy ra khô hạn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nhìn lại 4 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, cải cách hành chính,… đều có những chuyển biến và đạt những kết quả tích cực; đà phát triển là tốt; các dự báo về tình hình khá lạc quan.

Qua triển khai thực hiện nhiệm vụ một số khó khăn nổi lên, đó là xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại; nhập siêu tăng; du lịch có khó khăn nhất định; tình hình khô hạn kéo dài diễn ra gay gắt ở miền Trung và Tây Nguyên đã tác động tiêu cực đến sinh hoạt, đời sống và các hoạt động sản xuất của nhân dân; nguy cơ cháy rừng lớn; thị trường xuất khẩu nông sản giảm sút.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tiếp tục tập trung ưu tiên cho tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên tất cả lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ,… phải rà soát kỹ để thấy xuất hiện khó khăn gì và phải tìm cách xử lý, tháo gỡ kịp thời.

Về lĩnh vực xuất khẩu, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tìm mọi cách thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; kiểm soát tốt nhập khẩu, có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ sản xuất trong nước theo thông lệ và cam kết quốc tế.

Đối với du lịch, phải coi du lịch thực sự là mũi nhọn. Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Công an, Bộ ngoại giao có báo cáo đề xuất về tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó nêu rõ việc thực hiện Nghị quyết kết quả gì đã đạt được, những gì còn vướng mắc, khó khăn, đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Trước hết là quyết liệt trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa.Một nhiệm vụ lớn nữa được Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh là các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu kinh tế.

Thủ tướng cũng nhắc nhở các Bộ, ngành Trung ương thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; không để nợ nghị định, thông tư. Yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện thường xuyên đôn đốc, phối hợp với với các Bộ, ngành trong lĩnh vực này.

PV (tổng hợp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm