Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ứng phó hiệu quả với biến động kinh tế

Phiên họp thường kỳ hai ngày 31-8 và 1-9, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) tám tháng đầu năm. Đánh giá chung cho thấy hầu hết lĩnh vực đều có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, thu ngân sách tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, FDI đăng ký mới 13 tỉ USD - tăng hơn 30% so với cùng kỳ.

Không để lạm phát thấp quá

Tuy nhiên, sang tháng 8, kinh tế thế giới có diễn biến phức tạp. Giá dầu thô đã giảm mạnh từ mấy tháng trước, nay xuống sâu dưới ngưỡng 40 USD/thùng và đang có biến động mạnh. Đặc biệt, việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ đã kích thích nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam phá giá theo. Thị trường chứng khoán Trung Quốc và toàn cầu cũng diễn biến bất thường. Đây là những yếu tố mới, đầy thách thức.

Qua thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những biến động khó lường ấy tác động tới nước ta cả hai mặt thuận lợi, khó khăn đan xen. Những điều chỉnh vĩ mô vừa qua, nhất là nới tỉ giá VNĐ được Thủ tướng đánh giá là “ứng phó hiệu quả nhưng không được chủ quan”.

Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành: “Cần bám sát tình hình, phản ứng chính xác, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả. Chủ động đưa ra những giải pháp, chính sách nhằm hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực, khai thác tốt nhất các mặt thuận lợi. Làm sao biến thách thức thành cơ hội”.

Trong các giải pháp cụ thể, Thủ tướng gợi ý điều hành vĩ mô không nên để “lạm phát thấp quá mà chủ động kiểm soát theo mục tiêu để tạo thuận lợi cho kinh tế phát triển”.

Cũng trong phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về định hướng nhiệm vụ KT-XH 2016. Theo đó, các chỉ tiêu quan trọng được đưa ra là tăng GDP cao hơn năm nay, ở mức khoảng 6,7%; lạm phát khoảng 5%...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Không thể lường trước giá dầu xuống thấp như hiện nay

Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM trong buổi họp báo chiều qua, người phát ngôn, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết trong cuộc họp này, các thành viên Chính phủ đều thống nhất rằng không dễ đánh giá, dự báo tình hình một nền kinh tế lớn như Trung Quốc.

Theo ông Nên, thực tế công tác xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, từ cuối năm trước đã có những dự báo về tình hình các khu vực kinh tế lớn trên thế giới, nhất là những nơi ảnh hưởng mạnh tới Việt Nam. Tuy nhiên, không thể dự báo được việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ như vậy. Tương tự, cũng không thể lường trước được giá dầu thế giới xuống thấp tới dưới ngưỡng 40 USD/thùng.

Về việc khai thác dầu thô của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nên cho hay hiện giá bán trung bình của Việt Nam ở mức 53 USD/thùng, cao hơn giá thành sản xuất nên vẫn có lãi. Trên cơ sở thực tế các mỏ và tình hình khai thác, Tập đoàn Dầu khí phấn đấu cả năm sẽ khai thác 15,74 triệu tấn, cao hơn một triệu tấn so với kế hoạch Chính phủ giao cuối năm trước.

“Nhưng việc tăng này không phải để bù thiếu hụt tài chính, bởi giá thế giới giảm thấp thì việc tăng sản lượng cũng không đóng góp được gì nhiều vào ngân sách. Tăng khai thác là do khả năng thực tế của các mỏ và đã tính toán an toàn cũng như khả năng khai thác lâu dài” - ông Nên cho biết.

Trên các dữ liệu hiện có, theo ông Nên, Chính phủ đánh giá là dự kiến cả năm sẽ đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu phát triển KT-XH. Chỉ một chỉ tiêu có thể không đạt là tỉ lệ che phủ rừng.

Không thống nhất được mức tăng lương thì báo cáo Thủ tướng xem xét. Về điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho công nhân, ông Nguyễn Văn Nên cho biết các bộ, ngành liên quan cùng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có báo cáo gửi Thủ tướng. Hiện tại các bên chưa thống nhất được, do các đề xuất đưa ra còn khác nhau nhiều và bên nào cũng có lý lẽ riêng. “Theo quy định thì Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ còn một phiên họp nữa. Các bên sẽ ngồi lại với nhau để thảo luận. Nếu vẫn không thống nhất được thì chủ tịch hội đồng sẽ đưa ra một phương án, với lý lẽ giải trình, báo cáo Thủ tướng và Chính phủ để xem xét, quyết định”.

Nhiều cơ quan thống nhất với đề nghị tạm dừng thu phí xe máy. Về kiến nghị tạm dừng thu phí đường bộ với xe máy, ông Nên cho biết Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Đến nay đã nhận được ý kiến của Bộ Tài chính và một số cơ quan liên quan, cơ bản thống nhất với đề nghị tạm dừng thu phí của Bộ Giao thông vận tải. Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp ý kiến, báo cáo Thủ tướng để đưa vào chương trình phiên họp Chính phủ cuối tháng 9.

“Đổi mới thi cử đạt yêu cầu”. Về những bất cập, hạn chế trong kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua, ông Nên cho hay Thủ tướng đã nghe báo cáo và nhìn nhận là đổi mới thi cử đợt này bước đầu đạt yêu cầu. Còn một số hạn chế ở khâu tuyển sinh thì Thủ tướng hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã nhận trách nhiệm và có giải pháp khắc phục. Sau đợt xét tuyển năm nay, Bộ cần tổng kết, đánh giá toàn bộ để năm sau làm tốt hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm