Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: Đừng vội vàng, máy móc!

“Kẹt xe thì đương nhiên TP.HCM phải tập trung giải quyết thật quyết liệt. Nhưng không phải vì thế mà nôn nóng, duy ý chí áp dụng những giải pháp không hợp lý, gây hệ quả không tốt cho xã hội” - ông Nguyễn Thành Tài (ảnh), cố vấn giao thông cho UBND TP.HCM, nhấn mạnh khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Không áp dụng máy móc

. Vì sao UBND TP cho Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) nghiên cứu dự án thu phí ô tô vào trung tâm, thưa ông?

Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: Đừng vội vàng, máy móc! ảnh 1
+ Nhiều năm qua, nhờ nỗ lực xuyên suốt của các thế hệ lãnh đạo mà TP.HCM đã có thêm nhiều cầu, đường phục vụ cho giao thông, phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng phải nhìn nhận việc đầu tư phát triển cầu, đường vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu phát triển kinh tế cũng như tăng dân số. Với mục tiêu giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông, TP.HCM phải quyết liệt thực hiện thêm nhiều giải pháp đồng bộ và hoan nghênh những ý kiến đề xuất của các tổ chức, cá nhân. Việc chấp thuận cho ITD nghiên cứu giải pháp thu phí ô tô vào trung tâm cũng không nằm ngoài mục đích này. Nhưng ở đây cần phân biệt giữa nghiên cứu và áp dụng. Một giải pháp muốn được áp dụng vào thực tế phải có tính khả thi cao và lý giải được những ảnh hưởng phát sinh.

. ITD đã tham khảo mô hình này ở nhiều TP tiên tiến như London, Stockholm hoặc Singapore, kết quả cho thấy giải pháp này rất khả thi…

+ Singapore có dân số ít, là “nước một TP”. Còn London, Stockholm thì giao thông công cộng, đặc biệt là metro phát triển rất tốt, giao thông tĩnh cũng hết sức hoàn chỉnh, đô thị vệ tinh hợp lý và họ có đến bốn, năm đường vành đai… Trong khi đó, giao thông công cộng của TP.HCM hiện chủ yếu là xe buýt, metro thì đến năm 2017 mới có tuyến đầu tiên. TP đang cố gắng dời các trường học, cảng biển, bệnh viện lớn ra cửa ngõ để đạt được những nét “tương đồng” trên.

Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: Đừng vội vàng, máy móc! ảnh 2

Khu vực trung tâm có tình trạng ùn ứ ô tô nhưng bức xúc hơn là chỗ đậu và bãi giữ xe. Trong ảnh: Bãi giữ xe có thu phí trước công viên Lê Văn Tám. Ảnh chụp ngày 12-3. Ảnh: HTD

Việc so sánh là cần thiết, nhằm học hỏi kinh nghiệm của các nước. Nhưng để áp dụng thì cần có những điều kiện tương đồng chứ không thể áp dụng một cách máy móc.

Cần lý giải chi tiết hơn

. Vậy đề xuất này có gì chưa ổn, thưa ông?

+ Cần xác định rõ biện pháp chống kẹt xe không nhằm hạn chế nhu cầu đi lại mà là hướng dẫn, định hướng người dân lựa chọn phương tiện đi lại cho hợp lý để giảm bớt lưu lượng xe trên đường. Thu phí sẽ hạn chế được ô tô vào trung tâm nhưng lại nảy sinh nhiều vấn đề. Cụ thể, TP.HCM hiện có gần 10 triệu dân với hơn 5 triệu xe các loại (trong đó có trên 4 triệu xe máy) nhưng đường ít, mặt đường hẹp, giao lộ ngang mức còn nhiều, giao thông công cộng chưa phát triển... Trong bối cảnh này, nếu áp dụng thu phí ô tô như đề nghị của ITD thì chắc chắn sẽ có nhiều người chuyển sang đi xe máy vào trung tâm.

Chưa kể là ở khu vực quận 1, quận 3 hiện có tình trạng ùn ứ nhưng đây không phải là bức xúc lớn. Bức xúc lớn hơn là chỗ đậu xe, bãi giữ xe. Ngoài ra, để thực hiện việc thu phí được thì đòi hỏi phải có sự tự giác, nếu không phải có quy định cưỡng chế, xử phạt. Nhưng hiện các quy định này chưa có nên biện pháp thu phí cũng khó khả thi.

. Là người từng chấp thuận cho ITD nghiên cứu giải pháp này nhưng đến nay, khi có kết quả thì dường như ông không đồng tình?

+ Kết quả nghiên cứu có thể có những khiếm khuyết nhưng không vì thế chúng ta vội vàng bác bỏ mà nên bổ sung, hoàn chỉnh. Có như vậy mới khuyến khích các ý kiến, đề xuất cùng tham gia giải quyết kẹt xe. Đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm có thể gây ra nhiều tác động nên cần có sự lý giải chi tiết hơn (được thực hiện ở quy mô, phạm vi nào và thời điểm nào là hợp lý trong điều kiện của TP…).

Theo tôi, trên thực tế khó có giải pháp nào tối ưu 100%. Vì vậy, nếu giải pháp đó có nhiều ưu điểm thì cần được xem xét, có thể áp dụng một phần, trong phạm vi hẹp. Dù không trọn vẹn như đề xuất nhưng góp phần giảm được kẹt xe thì chúng ta cũng nên làm, còn hơn là không làm gì hết. Tất nhiên, khi áp dụng thì phải hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội-kinh tế.

. Xin cảm ơn ông.

Để kéo giảm kẹt xe, TP phải xem phát triển giao thông công cộng là giải pháp chính, lâu dài. Việc phát triển phải theo khả năng với lộ trình cụ thể. Cụ thể, TP cần tăng cường xe buýt cỡ trung (50-60 chỗ) và cỡ nhỏ (30-40 chỗ) loại sàn thấp mà trong nước đã sản xuất được để thay thế cho loại xe buýt 80 chỗ không phù hợp. Cạnh đó, dùng loại xe buýt nhanh BRT hoạt động trên 25 hành lang chính của TP để vận chuyển hành khách khối lượng lớn tương đương tàu điện ngầm với giá thành rẻ chỉ bằng 10% và thời gian thi công chỉ 12-18 tháng.

TP.HCM có đặc thù là nhiều hẻm, đường nhỏ, vì thế cần phát triển thêm mạng lưới xe microbus điện để trung chuyển hành khách đến xe buýt nhỏ - trung và xe buýt nhanh BRT. Nếu TP quan tâm thực hiện theo những hướng này, tôi tin khoảng 25%-35% lượng người đi xe máy sẽ chuyển sang xe buýt. Khi đó nạn kẹt xe, tai nạn giao thông sẽ giảm với tỉ lệ tương tự.

PGS-TS PHẠM XUÂN MAI, ĐH Bách khoa TP.HCM

MINH PHONG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.