Thư Nepal: Từ những đau thương!

Thư Nepal: Từ những đau thương! ảnh 1

Phóng viên Nguyễn Hà Cẩm Tú với gương mặt bị nám lạnh sau những ngày trekking trên những ngọn núi tuyết.

Đất nước này chỗ rộng nhất có bề ngang chỉ 200 km nhưng có tới ba vùng khí hậu: nhiệt đới; cận nhiệt đới, ôn hòa và vùng lạnh tùy theo độ cao. Di chuyển từ bên này sang bên kia bề ngang đất nước, người ta cần tới ba loại trang phục. Đất nước nhỏ bé này đầy những biến động do những xung đột bên ngoài và bên trong nó. Đa số người dân theo Ấn giáo nhưng Nepal được coi là nơi Đức Phật ra đời. Năm 1997, UNESCO công nhận Lâm Tỳ Ni là thánh tích di sản của thế giới, công nhận việc Đức Phật được sinh ra ở Nepal. Nằm giáp Ấn Độ và Trung Quốc, Ấn Độ nghiễm nhiên coi Nepal nằm trong tầm ảnh hưởng của mình. Trong khi đó, do tiếp giáp với một Tây Tạng nhiều đối kháng, Trung quốc coi Nepal như một vùng phên dậu.

Đấy là chuyện bên ngoài, còn bên trong, những thập kỷ gần đây Nepal có nhiều biến động với sự suy tàn của nền quân chủ. Sự phản kháng của một số lực lượng vũ trang, sự xuất hiện của nhiều đảng phái đã dần dần làm giảm sút quyền hành của hoàng gia, và ngay Hoàng gia Nepal cũng có tình trạng chia rẽ. Ngày 1-6-2001, Hoàng thái tử Dipendra đã thực hiện một cuộc thảm sát trong hoàng cung để trả thù việc cha mẹ từ chối người phụ nữ ông muốn kết hôn. Vua và hoàng hậu bị giết và Dipendra cũng qua đời ba ngày sau đó. Ngôi báu được em của Birendra là Gyanendra thừa kế. Trước thực tế các chính phủ bất ổn và cuộc bao vây Thung lũng Kathmandu của những người Maoist tháng 8 năm 2004, sự ủng hộ của dân chúng dành cho hoàng gia đã giảm sút. Sáu năm sau, Nepal chấm dứt hoàn toàn chế độ quân chủ vào năm 2006.

Thư Nepal: Từ những đau thương! ảnh 2

Thư Nepal: Từ những đau thương! ảnh 3

Quân đội và cảnh sát đang giúp người dân di tản ra khỏi những ngôi nhà có thể sập. Ảnh : CẨM TÚ

Nepal nhiều biến động, Nepal nhiều thánh tích, Nepal nhọc nhằn nhưng kỳ vĩ. Nepal có tới tám trong số 10 ngọn núi cao nhất thế giới. Tự thân Nepal chứa nhiều bí mật với ngay cả con người nơi đây và luôn vẫy gọi những bàn chân khám phá. Đến Nepal với từng cung trek, bạn không chỉ khám phá đất nước nhiều bí mật này, mà những cung đường gian lao của Nepal còn là nơi để bạn khám phá và vượt qua sự hữu hạn của bản thân mình. Để rồi yêu cuộc đời hơn, thương Nepal hơn và lòng nghĩ đến những lần trở lại…

Thế nhưng hôm nay thì Nepal đang bị tàn phá, những thước đất Nepal đang vùi lấp trong nó không biết bao nhiêu người. Những đám lửa hỏa thiêu đang được thực hiện ở vùng ảnh hưởng động đất vì số người chết quá khủng khiếp. Những bàn chân khám phá đang ngừng lặng đau đớn và bối rối trước quyết định ở hay về.

Thư Nepal: Từ những đau thương! ảnh 4
Một ngôi nhà trống hoác vì chủ nhân đã di tản. Ảnh : CẨM TÚ

Thư Nepal: Từ những đau thương! ảnh 5

Những con đường ở Jomson bị xé nát do ảnh hưởng động đất, dù ở xa tâm chấn. Ảnh : CẨM TÚ

Khi tai ương ai cũng mong có một gia đình, về với gia đình đang mong ngóng, nhiều bạn bè tôi sẽ rời Nepal. Nhưng cũng không ít cảm xúc nấn níu muốn ở lại bên cạnh vùng đất này trong những ngày hoạn nạn. Đôi bàn tay nhỏ bé có thể không giúp được gì, nhưng vẫn muốn ôm tất cả vào lòng. Đôi khi, một ánh nhìn sẻ chia cũng khiến người bạn mình ám áp trong cơn bĩ cực, một cái nắm tay đủ cho ai đó biết rằng họ không đơn độc. Hơn nữa, đi về ngay sao đành khi Nepal đã là một phần ký ức và hôm nay ký ức đẹp đẽ đó đang chìm trong đau thương...

Cho dù tang thương mất mát hôm nay thì Nepal vẫn sẽ vượt qua, nụ cười hiền lành sẽ nở lại trên môi những con người lam lũ, dù rât lâu, dù khi ấy họ vẫn chưa quên thảm họa này. Và dù, những đền tháp hôm nay đổ sụp hay bị vùi lấp, thì cuộc sống vẫn tiếp diễn như một dòng chảy. Nepal rồi sẽ sáng tươi.

Tôi đã nghĩ về Nepal như thế, trên suốt con đường trở về Kathmandu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm