Thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Chóng mặt với 19 thủ tục

Tuy nhiên, các nhà thầu chỉ đào đắp đất tại chỗ được hơn 4 triệu m3, mua từ các nguồn thương mại được 8 triệu m3, còn lại 14 triệu m3 phải trông chờ vào các mỏ đất tại những địa phương dự án đi qua.

“Muốn hoàn thành dự án trước năm 2017 thì phải xong công tác đắp nền trước mùa mưa năm nay. Nhưng việc thiếu đất san lấp, đắp nền đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công công trình” - ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nói.

Cũng theo ông Hưng, hiện chỉ mới có bốn mỏ đất ở Quảng Nam cung cấp đất cho các nhà thầu, còn Đà Nẵng và Quảng Ngãi chưa có mỏ nào. “Bình thường giá đất rẻ nhưng khi có dự án đi qua, giá đất đội lên gấp 3-4 lần khiến các nhà thầu chóng mặt” - ông Hưng cho hay.

Để chủ động nguồn cung cấp đất, các nhà thầu đã liên hệ chính quyền địa phương để xin khai thác đất tại chỗ. Tuy nhiên, họ gặp phải vướng mắc là thủ tục quá nhiêu khê, có nơi phải trải qua tới 19 bước. “Để được khai thác mỏ đất, chúng tôi phải cử một tổ 4-5 người chuyên túc trực tại các sở TN&MT, GTVT, NN&PTNT... để lo thủ tục, giấy tờ. Chỉ cần làm chậm một bước thì quy trình cấp phép sẽ kéo dài thêm khiến tiến độ thi công ảnh hưởng” - đại diện một nhà thầu cho biết.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, lý giải: “Thời gian qua, Sở đã kiến nghị với UBND tỉnh cắt giảm một số thủ tục cấp phép mỏ đất không cần thiết. Tuy nhiên, đây là loại hình kinh doanh có điều kiện nên thủ tục, quy định rất nghiêm ngặt”.

Ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam), thông tin thêm hiện Sở đang giải quyết 41 hồ sơ xin khai thác đất để phục vụ công trình đường cao tốc. “Sở TN&MT đã chủ động rút ngắn nhiều thủ tục do Sở chịu trách nhiệm. Nếu như trước đây doanh nghiệp cần đến 12 tháng để hoàn tất các thủ tục thuộc thẩm quyền của Sở thì nay chỉ còn khoảng 100 ngày. Nhưng doanh nghiệp còn phải làm việc với nhiều cơ quan khác thì mới được phép khai thác” - ông Ba nói.

Ngăn đất, cát “lậu”

Việc khan hiếm nguồn đất khiến các nhà thầu cố tìm mua đất, cát từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả từ nguồn không hợp pháp. Nhiều nhà thầu đã phải mua đất, cát lậu từ các “đầu nậu” chuyên khai thác cát, sạn trái phép dọc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Để ngăn chặn, VEC đã có văn bản yêu cầu các nhà thầu không sử dụng nguồn đất trôi nổi trên thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm