‘Ù lì’ di dời ô nhiễm và sự ỉ lại

Kế hoạch ban đầu đặt ra sẽ kết thúc vào năm 2005. Tuy nhiên, thời điểm di dời cứ lùi, kéo dài và đến nay nhiều cơ sở gây ô nhiễm “cỡ bự” vẫn “án binh bất động”.

Hằng ngày các cơ sở này cứ phát thải khói bụi, nước thải độc hại ra môi trường gây ô nhiễm cho người dân. Đáng nói trong số này có cả các cơ sở lớn gây ô nhiễm được Thủ tướng liệt vào danh sách “cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng” và lên kế hoạch xử lý. Quyết định (số 64/2003/TTg) này ban hành cách nay hơn... 12 năm và đã đặt ra lộ trình “xử lý ô nhiễm triệt để” ở các cơ sở gây ô nhiễm. Đơn cử như Công ty Xi măng Hà Tiên (quận Thủ Đức) được yêu cầu hoàn tất di dời trong năm 2006.

Các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng “ù lì” di dời (lời của Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Đào Anh Kiệt giải trình trước HĐND TP.HCM ngày 30-7) thường viện nhiều lý do như chưa tìm được địa điểm phù hợp, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, đặc biệt về vốn song chính sách hỗ trợ di dời chỉ đáp ứng được một phần nhỏ... Cũng phải thấy rằng sự ù lì di dời cũng đến từ nguyên nhân sự thiếu quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền. Nhưng cũng như ông Kiệt nói trong số các đơn vị ù lì này phần nhiều là các DNNN (5/6 đơn vị còn lại) và có thể họ đã dựa hơi, ỉ lại vào điều này để kéo dài sự thực thi các quyết định của Chính phủ và của TP.HCM trong suốt bao năm qua. Nếu quả thực như thế thì đây là một “kiểu núp bóng” cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt.

Lâu nay người ta biết DNNN thường được nhiều lợi thế, do được hưởng một số đặc quyền mà các nhóm khác khó thể có được. Sự chậm di dời trên khiến dư luận một lần nữa lại phải nghĩ không tích cực cho lắm với các DN có yếu tố nhà nước. Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt tới đây, với môi trường pháp lý bình đẳng mà tất cả chủ thể trong đó đều phải tôn trọng thực hiện thì cách ứng xử như thế này cần phải nhanh “lùi vào dĩ vãng”. Rõ ràng dù là lý do gì chăng nữa, sự ù lì đã nêu trên nó cho thấy sự thiếu gương mẫu của các DNNN trong việc thực thi các chính sách của trung ương, địa phương.

Mặt khác, với yêu cầu hướng tới phát triển bền vững hiện nay, yếu tố bảo vệ môi trường sẽ ngày càng trở nên quan trọng để làm nên hệ giá trị của DN. Và việc các cơ sở cứ thản nhiên xả thải, gây ô nhiễm môi trường tổn hại đến sức khỏe cộng đồng có thể gây phương hại đến uy tín, thương hiệu của chính họ.

Với những vấn đề đặt ra trên đây, thiết nghĩ các DN gây ô nhiễm môi trường bị “bêu tên” cần phải cân nhắc lợi hại tối đa để lựa chọn hướng hành động cho mình là nhanh chóng và nỗ lực tối đa để di dời hay là tiếp tục dựa hơi Nhà nước để ù lì nữa. Đừng để vì cái lợi trước mắt mà phải trả giá đắt về sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm