Tranh luận sôi nổi về “công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu”

Những lời tâm huyết của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc phát biểu tại Đại hội XI hôm trước, đến ngày 14-1 đã có những ý kiến tranh luận lại. Dưới sự điều hành lần lượt của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các đại biểu gồm cả giới học thuật, nhà kinh tế thực tiễn và cả đại diện cho những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thẳng thắn nêu quan điểm của mình.

Công hữu là đặc trưng của XHCN

Đại biểu Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, dùng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, khẳng định Cương lĩnh 2011 phải giữ nguyên ý của Cương lĩnh 1991. Như thế, đặc trưng kinh tế của xã hội XHCN là “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. Dự thảo Cương lĩnh 2011 gửi tới đại hội theo hướng này.

Ông Nghĩa nói: “Công hữu tư liệu sản xuất là đặc trưng của CNXH. Có người lo ngại không thu hút được đầu tư nhưng thực tế từ Cương lĩnh 1991 đến nay đã hơn 20 năm, bằng chính sách pháp luật hợp lý, chúng ta vẫn thu hút được đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Có ai bỏ đi đâu!”.

Còn thể hiện lại như văn kiện Đại hội X, thay “công hữu…” bằng “quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp” (như quan điểm của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc) thì theo ông Nghĩa là “rất trừu tượng”, là “như không nói gì”.

Tranh luận sôi nổi về “công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu” ảnh 1

Ông Nguyễn Tấn Dũng, ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều khiển phiên thảo luận tại đại hội. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng cũng lưu ý: “Công hữu là vấn đề lớn, cần tiếp tục nghiên cứu. Công hữu thế nào để gắn kết được lợi ích người lao động với lợi ích chung, tạo động lực cho họ thì về lý luận và thực tiễn còn cần nghiên cứu. Còn công hữu để cha chung không ai khóc thì thất bại!”.

Ông hy vọng có thể tìm ra những hình thức mới của công hữu, nằm ngoài hai loại sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể, hiệu quả hơn, XHCN hơn.

Đến từ Đảng bộ khối doanh nghiệp trung ương, đại biểu Võ Đức Huy, đại diện cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cũng đăng ký để được nêu quan điểm của mình. “Tôi đã gặp đồng chí Võ Hồng Phúc, nói sẽ tranh luận. Nhưng giờ có ý kiến của GS Lê Hữu Nghĩa, lý luận rất sắc sảo rồi, tôi hoàn toàn ủng hộ”.

Không tranh luận gì thêm, ông Huy phản bác lại những “phê bình” của xã hội và công chúng với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nhấn mạnh vai trò của những “anh cả đỏ” trong giai đoạn khó khăn 2008, ông nói nếu không có những “công cụ”, “quả đấm” ấy thì làm sao chống đỡ được suy thoái, kiềm chế được lạm phát. “Dường như ta chưa đánh giá đúng vai trò của tập đoàn. Ngay vụ Vinashin, ta xử sự không theo nguyên tắc kinh tế, mà theo dư luận bên ngoài, làm nóng vấn đề, để rồi TKV vừa rồi huy động trái phiếu nước ngoài không được” và nhấn mạnh “nếu không được chăm sóc, đầu tư chu đáo, tập đoàn sẽ không đảm đương được vai trò định hướng XHCN cho nền kinh tế thị trường”. Mở rộng thêm vấn đề, cựu bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương cho rằng dự thảo báo cáo kiểm điểm của Trung ương khóa X quá khắt khe với khu vực này. “Báo cáo nói xử lý sai phạm sau thanh, kiểm tra, điều tra ở một số tập đoàn, tổng công ty… chưa kịp thời. Nhưng nhiều lĩnh vực khác cũng vậy, đâu chỉ DNNN?”.

“Chưa rõ thì chưa nên đưa vào văn kiện”

TS Trần Du Lịch lần đầu tiên dự đại hội Đảng, cảm nhận được không khí dân chủ, cởi mở, với gợi ý tranh luận của chủ tọa cũng mạnh dạn đăng ký phát biểu. Đứng trên bục tự tin, ông Lịch là người thứ tư tranh luận về nội dung này.

Theo ông Lịch, việc xây dựng CNXH phải gắn liền với chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, đó là nguyên lý của chủ nghĩa Mác. Nhưng thực tế, “Nền kinh tế mà dựa vào chế độ công hữu thì vấn đề quan trọng là nó không có cơ sở để sản xuất hàng hóa”, nhà kinh tế thuộc đoàn đại biểu Đảng bộ TP.HCM đặt vấn đề. “Đại hội VIII quyết định phát triển một nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Đây là phát hiện sáng tạo của Đảng nhưng lý luận lại chưa làm rõ là mô hình CNXH mà ta xây dựng trong tương lai có còn sản xuất hàng hóa, có còn thị trường hay không!”.

Điểm yếu thứ hai trong lập luận về chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu là khái niệm “chủ yếu”. “Thời đại kinh tế trí thức sẽ có những sáng tạo, giải pháp công nghệ, sản phẩm trí thức có giá trị đặc biệt. Đó có phải là tư liệu sản xuất chủ yếu không? Vấn đề này cũng chưa được làm rõ”.

“Những vấn đề gì mà chúng ta chưa làm rõ thì chưa nên đưa vào văn kiện lớn của Đảng” - ông Lịch đề nghị. Nhấn mạnh “Vấn đề lớn nhất hiện nay của chúng ta là Đảng ta đưa cả dân tộc phát triển lên thành một nước giàu mạnh” - đại biểu Lịch tiếp tục đưa ra đề nghị nên tránh tư duy ngắn hạn. “Cái gì đưa vào văn kiện mà ảnh hưởng đến mục tiêu huy động nguồn lực, đến việc phát triển kinh tế, đầu tư chiều sâu, tái cấu trúc, đưa nền kinh tế từ gia công sang sản xuất, xây dựng thương hiệu, để Việt Nam mạnh hơn trên thế giới thì tôi đề nghị chưa đưa vào. Làm được như vậy thì nhân dân, doanh nghiệp sẽ hưởng ứng và sau đại hội này, khí thế trong nhân dân sẽ rất mạnh” - ông Lịch nói.

Tranh luận sôi nổi về “công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu” ảnh 2
Tranh luận sôi nổi về “công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu” ảnh 3

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm