Thiệt hại và hoang phí

Đó là cảnh héo rũ, chết khô vì nắng hạn của nhiều cây nông nghiệp như cà phê, tiêu…, trong khi hồ nước tưới tiêu bên cạnh lại mênh mông nước.

Có nhiều hộ dân cách hồ chỉ khoảng 100 m đã tìm mọi cách, kể cả đào giếng sâu đến 100 m vẫn không với tới nguồn nước và bất lực nhìn cây trồng chết dần vì hạn hán. Chỉ riêng một xã ở huyện Long Thành đã có đến 400 ha sản xuất nông nghiệp “khát” vào mùa khô và lâm vào cảnh bi đát.

Vườn, rẫy dân nằm cạnh hồ lớn đầy ắp nước mà cái hồ ấy được làm để cấp nước tưới nhưng dân vẫn than khát lại càng vô lý. Nhưng trớ trêu đó là sự thật.

Đồng Nai đi vay để có gần 340 tỉ đồng xây hồ chứa 30 triệu m3với mục đích cấp nước tiêu cho hơn 1.800 ha đất nông nghiệp… Hồ được hoàn thành vào năm 2007 mà dân vẫn khát là vì khi hồ đầy nước mới “vỡ” ra nó “đụng” dự án sân bay Long Thành. Thế là hệ thống kênh mương dẫn nước từ hồ đến vườn dân bị đình lại nên hồ chỉ là hồ chứa và thỉnh thoảng lại xả bỏ bớt nước để tránh vỡ.

Tất nhiên, khi đứng trước các lựa chọn sẽ phải có thứ tự ưu tiên. Trong trường hợp này có lẽ ưu tiên nghiêng về phía sân tầm cỡ quốc tế nên hồ xây xong mà nhiều năm vẫn không xây kênh dẫn nước.

Nhưng lý do gì chăng nữa thì điều này cũng gây ra thiệt hại và lãng phí.

Thiệt hại là vì người dân thấy hồ nước dần hình thành đã mở rộng quy mô trồng cây nhưng sau đó lại không có nước, cây trồng chết héo. Còn lãng phí lại đến từ câu chuyện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Không “thấy” trước được sân bay, tỉnh đã căng kéo tìm vốn đắp hồ, rồi hằng năm phải trả thêm khoản lãi vay đến 20 tỉ đồng nhưng khi sân bay được bàn (với nhiều ưu đãi) thì viễn cảnh hồ tưới thành hồ… câu cá rất dễ xảy ra.

Đáng buồn, những câu chuyện mang tính chất tương tự về sự không đồng bộ, thiếu tính toán đầy đủ dẫn đến những hệ quả xấu không phải là hiếm. Đơn cử ở Bạc Liêu, cảng Gành Hào được ví như đòn bẩy phát triển kinh tế biển của địa phương mà vẫn có sự chệch choạc. Đường và cầu mở liên thông cảng với quốc lộ song cầu làm xong lại thiếu… đường dẫn. Vậy là thương lái phải tốn thêm chi phí cho việc “tăng bo” thủy hải sản nên ép giá thu mua làm ngư dân chạy qua nơi khác, đe dọa ảnh hưởng đến hoạt động cảng cá.

Có nhiều lý do để giải thích cho các trái khoáy này nhưng một khi dân thấy đồng tiền bỏ ra không mang lại hiệu quả thì chính quyền cần phải xem lại cách tính toán của mình.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm