Nước tràn mọi nơi, vẫn ém ngập!

Vậy mà Trung tâm Chống ngập - đơn vị chuyên lo chống ngập cho địa phương báo cáo: “Ngập sâu nhất khoảng 50 cm”.

Tràn lan trên các diễn đàn, trên mạng xã hội cảnh “vùng vẫy” trong nước. Rồi đầy rẫy hình ảnh ngập cả chiếc xe máy thì không quá khó cho thấy giữabáo cáo ngậpthực tế có một độ vênh, mức độ vênh rất lớn!

Đơn cử, trên đường Nguyễn Hữu Cảnh nước phủ yên xe máy nhưng báo cáo của Trung tâm Chống ngập về độ sâu ngập chỉ “0,4 m”. Rồi cạnh đó, 17 giờ ngày 15-9 đã mưa và hơn năm giờ sau, nước ở nhiều tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm… vẫn ngập lút pô xe. 22 giờ rồi 23 giờ, có người vẫn không dám dắt xe xuống đường, chạy về nhà. Vậy mà Trung tâm Chống ngập thống kê ngập “0,2 cm”, chỉ lấp xấp quá mắt cá chân.

Thế nên một câu hỏi mà người dân TP.HCM đặt ra và chờ trả lời: Vì sao ngập nghiêm trọng như vậy? Vì sao trong các báo cáo thì số điểm ngập, mức độ ngập “chẳng có gì phải ầm ĩ”.

Hàng ngàn, chục ngàn người dân TP.HCM phải lặn ngụp trong nước, tưởng chỉ đơn giản là mất thời gian chờ đợi. Nhưng thực tế, thiệt hại không thể đo đếm được. Họ móc điện thoại trong túi quần, bỏ vào túi áo. Vẫn ướt! Gói điện thoại bỏ vào cốp xe, nước cũng tràn vào. Làm gì với chiếc điện thoại nhúng nước trong khi cả người từ đầu đến chân ướt chèm nhẹp? Lại hư! Rồi cứ mỗi chiếc xe máy ngập nước như thế thì phải thay nhớt máy. Chỉ lấy giá bình dân khoảng 70.000 đồng/bình thì cũng đủ thấy thiệt hại do ngập úng gây ra đến dường nào…

Giảm ngập nước là một trong sáu chương trình đột phá được Đảng bộ TP.HCM đặt ra để tập trung giải quyết từ năm 2010. Đến nay đã gần năm năm nhưng người dân TP.HCM vẫn mệt mỏi với ngập. Nhưng như đã nói, chính vì báo cáo của Trung tâm Chống ngập và thực tế có độ vênh lớn nên nhiều khả năng dẫn đến việc lãnh đạo TP.HCM - hằng ngày phải lo trăm công ngàn việc - đã không được tiếp cận với sự thật.

Trung tâm Chống ngập cũng có các lý giải. Nào là “do cách đo”, nào là do “thiết kế của công trình chỉ chịu đến mức ấy”. Rồi đến “biến đổi khí hậu”. Người dân TP.HCM có thể chia sẻ về các khó khăn, chấp nhận cảnh khổ vì ngập nếu được giải thích cặn kẽ, khách quan. Còn nếu các cán bộ được giao nhiệm vụ chống ngập không nhìn nhận thực tế, hiện trạng ngập thì người dân sẽ mãi lắc đầu ta thán.

Muốn giải quyết chuyện ngập, trước tiên cần “giải quyết trước” về trách nhiệm, nghĩa vụ của các cán bộ chống ngập!

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm