Nếu không tôn trọng nghề sư phạm…

Đây là ý kiến của bà Andrea Car, đại diện một nhà xuất bản của nước Anh, tại một hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức vừa qua liên quan đến nghề dạy học.

Ý kiến này một lần nữa làm dấy lên vấn đề mang tính thời sự nhân ngày Nhà giáo Việtnam: Làm sao duy trì sự sáng tạo của giáo viên trong giảng dạy?

Trước đây, nhất là trong thời kỳ bao cấp, chương trình và sách giáo khoa được coi là “pháp lệnh”, buộc mọi giáo viên phải chấp hành. Giáo viên thực hiện “năm bước lên lớp” theo sách hướng dẫn một cách máy móc và cứng nhắc. Những hoạt động tìm tòi, sáng tạo làm nội dung bài giảng có thể thay đổi không được khuyến khích. Với phương pháp truyền thụ như vậy, vai trò của người dạy cũng bị hạ thấp -  đóng vai trò như một công cụ truyền đạt. Vì vậy giờ học trở nên xơ cứng, thiếu sinh khí vì người dạy không hứng thú, còn người học thì chỉ biết tiếp thu một cách thụ động. Chất lượng giáo dục theo đó mà sa sút dần.

Ngày nay, khoa học giáo dục đã nhìn nhận lại vai trò, sứ mạng của người thầy trong nhà trường. Người thầy thông qua việc dạy học khơi gợi, đánh thức tiềm năng trong mỗi học sinh. Sứ mạng của người thầy không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức mà còn hướng dẫn học sinh cách học, hình thành nhu cầu, kỹ năng tự học, thậm chí hình thành năng lực sáng tạo ra những tri thức mới, giá trị mới.

Tuy nhiên, những tiết học sáng tạo không phải tự nó tìm đến mà đòi hỏi người thầy phải không ngừng vươn lên học hỏi nghiệp vụ, kiến thức để tự hoàn thiện mình. Mặt khác, nhà giáo cũng cần phải được tạo điều kiện để họ làm thật tốt nhiệm vụ giảng dạy mang tính sáng tạo của mình. Nhà giáo cần phải được nâng cao kiến thức chuyên môn và sư phạm thường xuyên, vì chỉ khi nhà giáo có một nền tảng kiến thức sâu rộng thì nền giáo dục mà họ tạo ra mới có tầm sâu rộng tương ứng.

Trên thực tế, hiện còn nhiều giáo viên vẫn đang giảng dạy trong những điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, bấp bênh. Giáo viên chưa được đãi ngộ tương xứng, thể hiện ở mức lương nghèo nàn, vị trí xã hội còn thấp, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi… Đó là những nguyên nhân chính làm cho đội ngũ giáo viên giỏi ngày càng thiếu hụt.

Bởi vậy, trong thông điệp nhân ngày Nhà giáo Thế giới năm nay (5-10-2015), Tổ chức UNESCO nhấn mạnh để có được một nền giáo dục tích cực và chất lượng, trước hết cần phải có những biện pháp động viên, khuyến khích tốt nhất, hiệu quả nhất đối với những người đứng trên bục giảng. Trước hết phải đảm bảo người giáo viên được hưởng mức lương tương xứng và điều kiện làm việc tốt nhằm tạo ra một lực lượng giảng dạy có trình độ và tâm huyết, góp phần tạo nên một nền giáo dục chất lượng cao. Giáo viên là nòng cốt của hệ thống giáo dục, không thể có giải pháp lâu dài cho ngành giáo dục cũng như cho tình trạng thiếu giáo viên giỏi nếu không tôn trọng nghề sư phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm