Ép dân tự nguyện

Tại đây các thôn, ấp đã họp dân, ra nghị quyết về mức đóng tiền của mỗi hộ dân theo hình thức tự nguyện và người dân đồng lòng ký vào nghị quyết.

Thoạt nhìn, việc họp dân và người dân đồng tình ký tên đóng góp có vẻ rất tự nguyện nhưng khi thực hiện, nhiều người dân cận nghèo, nghèo phải bấm bụng vay mượn, bán chó, bán lúa non để có tiền thực hiện cam kết mà họ đã ký. Vì “không ký thì không được, bị nêu tên trên loa xóm, loa thôn, có khi bị xúc phạm danh dự nữa thì nhục, biết kêu ai?”. Cách khác, để tránh bị bêu riếu, có đến hàng chục hộ nghèo, cận nghèo phải “tự nguyện ký tên”.

Trả lời về hiện tượng trên, một lãnh đạo huyện Lệ Thủy cho là có biết chuyện người dân gánh nợ, có biết việc bán chó, bán lúa non… nhưng chỉ là cá biệt và ông cũng “cảm thấy thương dân”.

Đúng là ông có xót xa, thương dân nhưng với tư cách là một lãnh đạo, ông phải biết thương dân theo cách khác chứ không thể nói suông. Cách thương dân của một lãnh đạo khác với người bình thường, tức ông phải chỉ đạo, uốn nắn cấp dưới, không để cho người dân phải lo lắng, mang nợ vì khoản đóng góp tự nguyện này. Ông phải biết trắc ẩn trước lo lắng của cộng đồng, của người dân, trước sự đời éo le của người khác chứ đừng đẩy người dân vào cảnh khó rồi xót xa suông.

Nông dân vốn chất phác, rất tự trọng và họ không muốn làm người ngoài cuộc để thụ hưởng thành quả của việc xây dựng nông thôn mới. Khi huy động sự đóng góp, có thể linh hoạt bằng nhiều hình thức như góp công, góp sức chứ không nên nhất nhất quy ra tiền để gây gánh nặng nợ nần với những người không có khả năng. Đừng dùng “xảo thuật” đánh vào lòng tự trọng của nông dân bằng cách ép họ tự nguyện ký vào nghị quyết góp tiền. Mong rằng hiện tượng ở xã Phong Thủy chỉ là cá biệt.

VI TRẦN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm