Chưa hết chông gai

Thế nhưng trên thực tế, quy chế ấy lại trở thành rào cản đáng kể trong nỗ lực thực hiện chức năng thông tin của báo chí, khi mà bất cứ người nào cũng có thể vin vào “bảo bối” “tôi không phải là người phát ngôn” để từ chối cung cấp thông tin.

Để tháo gỡ vướng mắc này, quy chế năm 2013 đã phải minh định rõ: “Cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí”. Thế nhưng chặng đường tìm kiếm thông tin của nhà báo vẫn không bớt chông gai khi vẫn còn nhiều cơ quan nhập nhằng về cách hiểu thế nào là “không được nhân danh cơ quan để phát ngôn”.

Thực tế có cơ quan quy định ngầm trong nội bộ với nhau rằng cá nhân không phải là người phát ngôn được cung cấp thông tin, được phát biểu với báo chí nhưng không được ghi chức danh ở cơ quan đó (?!). Có người không muốn phát biểu với báo chí vì ngại nếu ghi rõ chức danh thì sẽ bị hiểu là họ đang nhân danh cơ quan mình để phát ngôn. Chưa kể, rào cản vẫn còn đó khi nhiều cán bộ muốn phát biểu với báo chí nhưng lại nhắn nhủ với nhà báo “em nói hộ với sếp anh một tiếng” và nếu sếp im lặng thì cũng đành ngậm ngùi thôi luôn…

Báo chí lúc nào cũng muốn có thông tin nhanh nhất, chính xác nhất từ những nguồn tin có thẩm quyền để đáp ứng nhu cầu chính đáng của bạn đọc, của xã hội. Thế nhưng nếu vẫn còn có những cách nghĩ như trên thì xem ra quy chế phát ngôn dù đã được sửa đổi cũng vẫn chưa đạt được những điều người ta kỳ vọng vào nó. Có lẽ những rào cản ấy chỉ có thể được gỡ bỏ khi những người có thẩm quyền nhận thức được rằng cung cấp thông tin cho báo chí không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm, là nghĩa vụ của chính họ đối với xã hội.

T.HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm