NGHỊ QUYẾT PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI 2011-2015

Chú trọng vấn đề biển Đông và quốc phòng

Đó là một trong những nội dung nằm trong chín nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) trong thời gian tới được thể hiện trong nghị quyết về kế hoạch phát triển KTXH năm năm 2011-2015 vừa được QH thông qua sáng 8-11 với 89,2% đại biểu (ĐB) tán thành.

Cụ thể, nghị quyết nêu rõ năm năm tới sẽ quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại vững mạnh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc… Đồng thời, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác chiến lược với các nước láng giềng có chung biên giới. Thúc đẩy giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ, chú trọng vấn đề biển Đông một cách thỏa đáng. Phát huy vai trò và huy động nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về phát triển đất nước.

Ngoài ra, một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó tập trung tái cơ cấu ba lĩnh vực quan trọng: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vấn đề kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền cũng được tiếp tục kiên trì thực hiện.

Các chỉ tiêu KTXH được đề ra trong giai đoạn này hầu hết được giữ nguyên như dự thảo Chính phủ trình. Cụ thể, GDP tăng khoảng 6,5%-7%, CPI tăng khoảng 5%-7%; đến năm 2015, thu nhập thực tế của dân cư sẽ tăng từ hai đến 2,5 lần so với năm 2010, giảm nhập siêu phấn đấu dưới 10% kim ngạch xuất khẩu, bội chi ngân sách dưới 4,5% (có cộng thêm trái phiếu chính phủ), nợ công không quá 65% GDP...

Tùy tiện điều chỉnh vốn đầu tư tạo gánh nặng ngân sách

Sáng cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình sử dụng trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015. Nhiều ĐB đề nghị đưa việc chi đầu tư các dự án từ nguồn trái phiếu chính phủ vào ngân sách Nhà nước để dễ kiểm tra, giám sát và tránh tình trạng tùy tiện điều chỉnh vốn đầu tư tăng cao như hiện nay. “Từ đầu chương trình cho đến cuối giai đoạn, tổng mức đầu tư đã tăng 10 lần. Như vậy là vượt khả năng cân đối của ngân sách với sức chịu đựng của nền kinh tế, làm tăng rủi ro về tài chính của quốc gia” - ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nhận xét.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) cũng dẫn chứng những yếu kém trong công tác quản lý điều hành của Chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, vẫn còn tồn tại 12 chương trình của giai đoạn 2006-2010 có đến tám bộ quản lý. “Ví dụ, Chương trình giảm nghèo có đến 13 bộ tham gia quản lý với 68 chính sách, cơ chế sử dụng khác nhau nên rất khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện” - ông Út cho hay.

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm