Tàu Trung Quốc hai lần cản trở tàu Việt Nam cứu nạn ngư dân

Vị trí tàu cá gặp nạn cách bờ hơn 400 hải lý (ngoài rìa phía đông nam, quần đảo Hoàng Sa). Để kịp thời đưa ông Ngọc vào bờ, tàu cá quay đầu lại chạy hướng về bờ, đồng thời Danang MRCC điều động tàu SAR 412 cũng xuất phát từ đất liền ra. Hai tàu tiếp cận nhau cách bờ khoảng 300 hải lý, trên vùng biển Hoàng Sa.

Tiếp cận tàu QNA 90927. Ảnh TPO

Thuyền trưởng tàu SAR 412, ông Phan Xuân Sơn, cho biết sau khi rời cảng Đà Nẵng, đến khoảng 1 giờ rạng sáng 1-6 thì tàu đi ngang đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam). Tàu di chuyển cách đảo Tri Tôn khoảng 8 hải lý thì bất ngờ xuất hiện một tàu Trung Quốc (TQ) chồm tới. Tàu này kẹp phía mạn trái tàu SAR 412 và phát cảnh báo trên tần số VHF. Theo đó, phía tàu TQ yêu cầu tàu SAR 412 phải đổi hướng, di chuyển ra xa khu vực đảo Tri Tôn. “Tôi cũng phát tín hiệu trả lời: “Đây là tàu cứu nạn Việt Nam. Chúng tôi đang trên đường đi làm nhiệm vụ, không đổi hướng” -ông Sơn kể. Chiếc tàu TQ vẫn bám theo, phát loa ra rả. Họ nói vùng biển này là lãnh hải TQ nên tàu phải di chuyển ra khỏi khu vực”. Tuy nhiên, thuyền trưởng Sơn vẫn giữ nguyên tốc độ, hướng di chuyển. Khi tàu ra khỏi vùng đảo Tri Tôn thì tàu Trung Quốc mới chịu “cắt”, không bám theo nữa. “Do trời tối nên chúng tôi không biết đây là tàu hải cảnh hay tàu chiến. Tàu này cũng không rọi đèn pha tấn công như mấy lần trước” - một thuyền viên cho hay.

Sau khi tiếp cận được tàu cá QNa 90927 TS, lực lượng cứu nạn dùng xuồng di chuyển ông Ngọc sang tàu cứu nạn. Trên đường quay về đất liền, ngang qua đảo Tri Tôn, tàu hải quân TQ lại tiếp tục cản trở tàu cứu nạn Việt Nam. “Lúc đó khoảng 10 giờ sáng 1-6, tàu đang khẩn trương về bờ thì tàu hải quân TQ mang số hiệu 841 từ trong đảo phi ra. Từ tốc độ khoảng 4-5 hải lý, tàu này bất ngờ tăng tốc lên 19-20 hải lý/giờ, lao thẳng vào tàu SAR như muốn đâm chìm chúng tôi. Họ không phát bất kỳ tín hiệu gì mà cứ lao tới rất gần”. Ông Sơn kể thế và nhớ lại trên tàu TQ toàn lính có vũ trang súng ống đầy đủ. Phía trước tàu có ụ pháo lớn, chạy gầm ghè bên cạnh để đe dọa tàu cứu nạn Việt Nam. Khi hai tàu gần va nhau thì tàu hải quân TQ ngoặt lái, chạy song song, áp sát SAR 412. Lúc này, toàn tàu “báo động”, chỉ huy tàu trực chiến trên cabin, sẵn sàng điều động tàu, đối phó với hung hãn của tàu TQ. “Anh em trên tàu vẫn bình tĩnh, mỗi người một nhiệm vụ. Trường hợp chúng tông vào thì mình cũng đã có phương án tránh né nhằm giảm thiệt hại. Tôi cho tàu tăng tốc lên 22 hải lý/giờ để vượt qua tàu chiến TQ” - ông Sơn nói.

Trung Quốc làm thế là không nhân đạo

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam, cho hay trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, đề cập đối với ngư dân bị nạn trên biển ưu tiên hàng đầu là phải ứng cứu kịp nạn nhân.

Trong trường hợp cụ thể ngư dân của Việt Nam bị bệnh tật nguy hiểm đến tính mạng trong vùng biển chủ quyền Việt Nam, các tàu TQ đã ngăn cản quyết liệt như vậy chứng tỏ họ không tôn trọng luật pháp quốc tế mà họ đã ký và hành động thô bạo. Các hành động này đối với ngư dân bị nạn trên biển chứng tỏ họ chưa đề cao tính nhân đạo khi ngư dân, tàu thuyền trên biển gặp thiên tại, bệnh tật.

PHONG ĐIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm