Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu ngư dân giữa đêm

Sáng 10-7, Hội Nghề cá Việt Nam đã thông báo phản đối phía Trung Quốc đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam khiến 11 thuyền viên bị rơi xuống biển giữa đêm khuya.

Theo thông báo này, vào khoảng 23 giờ ngày 9-7, tàu cá QNg 90559 TS của ông Trương Văn Đức, ngụ xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) khi đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì bị ba tàu Trung Quốc chiếu đèn công suất lớn, rượt đuổi và tấn công. Mặc dù tàu của ngư dân Trương Văn Đức đã cố gắng né tránh nhưng vẫn bị tàu của Trung Quốc rượt theo đâm chìm giữa biển đêm.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cũng xác nhận vụ việc này. Theo thông tin ngư dân báo về, sau khi đâm chìm tàu ngư dân Đức, phía Trung Quốc bỏ đi để mặc 11 thuyền viên trên tàu bị nạn phải bám vào thuyền thúng, các phao và kêu cứu. Rất may sau đó tàu QNg 95248 TS của ông Lê Văn An ở cùng địa phương đánh bắt gần đó đã kịp thời tới hỗ trợ cứu 11 thuyền viên đang bị nạn lên tàu an toàn. Tiếp đó 11 thuyền viên này đã được đưa sang tàu cá QNg 95779 TS của bà Trương Thị Điều để đưa vào bờ, còn tàu ông An ở lại tiếp tục khai thác hải sản tại Hoàng Sa.

Liên quan đến sự vụ này, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi đã đề nghị các cấp phản kháng các hành động xua đuổi, đâm chìm tàu, không tổ chức cứu vớt ngư dân vào ban đêm của các lực lượng chức năng Trung Quốc và yêu cầu phải trục vớt tàu QNg 90559 TS làm bằng chứng tố cáo hành động của Trung Quốc.

Ngư dân Quảng Ngãi bức xúc trước hành động ngang ngược, phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa thuộc Việt Nam. Ảnh: LUẬN NGỮ

Trước hành vi xâm phạm nghiêm trọng trên, Hội Nghề cá Việt Nam phản đối hành động phi nhân đạo của phía Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam, vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam, gây tổn hại đến tài sản và nguy hại đến tính mạng của ngư dân Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hành động trên. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cần có những giải pháp tăng cường lực lượng hỗ trợ ngư dân hoạt động trên biển, ngăn chặn hành động vi phạm của phía Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc bồi thường tài sản cho ngư dân Quảng Ngãi có tàu bị đâm chìm.

Điều đáng nói, đây chỉ là một trong rất nhiều lần tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc xua đuổi, truy cản, đập phá, cướp tài sản khi đang khai thác hải sản tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam trong thời gian qua. Vụ tấn công gây bức xúc gần đây nhất là các tàu Trung Quốc phun vòi rồng hất ngã các ngư dân; tấn công cướp hết tài sản và đánh đập các thuyền viên trên hai tàu cá Quảng Ngãi QNg 90657 TS và QNg 95193 TS vào trung tuần tháng 6.

Ngư dân ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên cũng không ít lần đối mặt với các lực lượng của Trung Quốc trên biển. Một vị lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cũng cho hay từ đầu năm đến nay có nhiều tàu cá của ngư dân tỉnh này bị tàu Trung Quốc xâm hại. Nghiêm trọng nhất là vụ tàu cá BĐ 96680 TS của ông La Văn Quen (44 tuổi, ngụ xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc phun vòi rồng tấn công gần hai tiếng đồng hồ trên vùng biển Hoàng Sa ngày 27-5. Vụ tấn công này đã làm bị thương một ngư dân và khiến tàu cá bị hư hỏng nặng.

11 ngư dân trôi dạt trên biển do chìm tàu

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM lúc 20 giờ tối 10-7, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4 tại Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết vẫn chưa tìm thấy để tiếp cận, ứng cứu 11 ngư dân tỉnh Bình Định trôi dạt do bị chìm tàu trên vùng biển gần đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Chiều tối cùng ngày, Hải quân Vùng 4 đóng tại Nha Trang (Khánh Hòa) đã liên tiếp điều hai tàu HQ641, HQ749 ra cứu nạn các ngư dân. Tuy nhiên, thời tiết vùng biển trên rất xấu, có sóng lớn, gió mạnh lại đêm tối nên việc tìm kiếm rất khó khăn. Ngoài ra còn có một số tàu cá đang đánh bắt gần khu vực tàu gặp nạn cũng nỗ lực tham gia liên lạc, tiếp cận để cứu vớt các ngư dân bị nạn.

Trước đó, thông tin từ các ngư dân báo về lúc 20 giờ 30 ngày 9-7 cho biết trong khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển gần đảo Đá Lớn, tàu cá QNg 98604 TS do ông Đỗ Văn Thu (ngụ thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng bị phá nước, thủng vỏ, nước tràn vào khiến tàu chìm dần.

Ngày 10-7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã có công văn khẩn đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các đơn vị cứu hộ, cứu nạn huy động phương tiện khẩn cấp tìm kiếm, ứng cứu các ngư dân trên. Đến chiều cùng ngày, các ngư dân liên lạc được về đất liền cho biết tàu cá đã chìm hoàn toàn. Hiện tình trạng các ngư dân đang rất nguy cấp, cả nhóm phải luân phiên nửa ngồi trên thuyền thúng, nửa bơi dưới nước trong khi chờ tàu cứu nạn. Trong khi đó, nước uống, lương thực không có nên các ngư dân càng kiệt sức.

TẤN LỘC

Phản ánh với chúng tôi, ngư dân Nguyễn Ngọc Khánh, chủ tàu cá QNg 96017 TS, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tàu từng bị tàu Trung Quốc tấn công cho biết: Gần 20 năm bám biển Hoàng Sa, chưa bao giờ Trung Quốc lại hung hăng, thô bạo như hiện nay. “Những phiên biển trước, cũng tại khu vực này chúng tôi làm ăn bình thường, họa hoằn mới xuất hiện tàu của họ. Còn nay Trung Quốc họ liên tục sử dụng “tàu to máy lớn” có trang bị vũ trang ra xua đuổi, tấn công, cướp tài sản thậm chí đánh đập ngư dân, hòng làm nhụt ý của bà con. Trung Quốc càng hành xử thô bạo bao nhiêu thì chúng tôi càng quyết tâm bám biển bám ngư trường bấy nhiêu, vì đây là chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc mình” - ngư dân Khánh bức xúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm