Tái khởi động các dự án đường trên cao

“Trong năm 2012, ngành giao thông vận tải TP.HCM phải tập trung nghiên cứu, thực hiện các dự án đường trên cao đã được Thủ tướng phê duyệt” - ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ đạo vào đầu năm 2012.

Gian nan đường trên cao

Tái khởi động các dự án đường trên cao ảnh 1

Phối cảnh điểm nối giữa đường trên cao số 1 và số 2. (Ảnh do Công ty Cổ phần Bách Khoa cung cấp)

Từ năm 2002, TP.HCM đã có ý tưởng xây dựng đường trên cao chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đến năm 2007, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, theo đó TP.HCM sẽ có tới bốn tuyến đường trên cao. Tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè cơ bản vẫn giữ nguyên hướng tuyến và gọi là tuyến số 1.

Tuyến số 1 có nhiệm vụ kết nối giao thông từ sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm thành phố và cả khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khi hình thành, tuyến đường sẽ giúp giảm gánh nặng giao thông cho các trục đường Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đáng chú ý, dự án này có tính khả thi cao do diện tích giải tỏa không nhiều.

Cuối năm 2007, Công ty GS E&C (Hàn Quốc) ký cam kết với UBND TP đầu tư tuyến số 1 theo hình thức BOT, trong 12 tháng sẽ hoàn tất hồ sơ dự án. Nhưng đến tháng 2-2009, đơn vị này xin thoái lui với lý do để tập trung nguồn lực cho dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.

Ở tuyến số 2, Tập đoàn Wijaya Baru Global Berhah (Malaysia) đã ký thỏa thuận với UBND TP làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Nhưng sau đó tập đoàn này cũng xin rút do nhận thấy tính khả thi của dự án không cao. TS Vũ Xuân Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Bách Khoa (đơn vị đang nghiên cứu, lập dự án đầu tư tuyến trên cao số 1 và số 2), cho hay: Tuyến số 2 giao cắt với tuyến đường sắt trên cao, đi vào nhiều đường có lộ giới nhỏ như Tô Hiến Thành, Lữ Gia, đồng thời “vạt” vào một số dự án tái định cư, chung cư cao tầng. Vì không khả thi về giải phóng mặt bằng, góc cua lại gắt nên vừa qua tuyến này đã được điều chỉnh quy hoạch ở một số điểm. Dù vậy, tập đoàn của Malaysia cũng không tiếp tục tham gia dự án.

Trong khi đó, dù kêu gọi từ nhiều năm nay nhưng TP.HCM vẫn vô vọng trong việc tìm kiếm nhà đầu tư cho tuyến trên cao số 3.

Vốn lớn, không dễ tìm nhà đầu tư

Theo ông Vũ Xuân Hòa, hiện các đơn vị liên quan đã lập báo cáo cuối kỳ về tuyến trên cao số 1 để TP.HCM lựa chọn nhà đầu tư. Theo phương án đề xuất, tuyến chính dài gần 8,5 km với mặt cắt ngang 17,5 m (gồm bốn làn xe), toàn tuyến có ba nút giao, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 15.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, tuyến số 2 dài gần 10 km có điểm đầu kết nối với tuyến số 1 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè theo đường Bắc Hải (quận 10). Tuyến đường sau đó đi vào một số hẻm ở quận Tân Bình rồi theo kênh Tân Hóa - Lò Gốm để kết nối vào đường vành đai 2. Theo dự toán cách đây hơn hai năm, tổng mức đầu tư cho dự án đường trên cao số 2 gần 14.460 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Chánh, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư, Sở GTVT, vốn đầu tư khá cao là nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án đường trên cao đến nay vẫn nằm trên giấy. Dù đã cố gắng nhưng thời gian qua TP.HCM vẫn chưa tìm được nhà đầu tư “đủ lực”. Đáng mừng là cuối năm 2011, một số nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm đối với dự án đường trên cao số 1 theo phương thức công tư hợp tác (PPP). Đây cũng là một trong năm dự án hạ tầng trọng điểm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ phê duyệt để xúc tiến đầu tư theo hình thức PPP ngay trong năm 2012.

Tuy nhiên, tuyến số 4 do Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) nghiên cứu đề xuất mới có thể là tuyến đường trên cao đầu tiên ở TP.HCM được khởi công. Tuyến này có điểm đầu tại nút Vườn Lài (giao giữa đường Vườn Lài và quốc lộ 1A), sau đó đi theo đường này về quận Bình Thạnh, qua một phần các đường Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh, Điện Biên Phủ để kết nối vào tuyến số 1. Tuyến số 4 dài khoảng 7,7 km, được kỳ vọng sẽ giúp giải tỏa ách tắc cho quốc lộ 13. Ước tính tổng kinh phí thực hiện dự án gần 11.460 tỉ đồng.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm