Sập giàn giáo ở Vũng Áng: Công nhân bị ép làm khi giàn giáo đã rung lắc

Đến 15 giờ ngày 26-3, tỉnh Hà Tĩnh đã kết thúc công tác tìm kiếm cứu nạn trong vụ sập giàn giáo ở công trường dự án Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Tính đến thời điểm đó đã có 13 người chết và 28 người bị thương.

Vụ tai nạn xảy ra vào 20 giờ ngày 25-3, khi các công nhân Công ty CP Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế (NIBELC) đang lắp ráp giàn giáo đổ trụ bê tông tại hạng mục thi công giếng chìm, đê chắn sóng công trình cảng biển Sơn Dương.

Công ty NIBELC là nhà thầu phụ của Công CP Samsung C&T (thuộc Tập đoàn Samsung), thi công kè chắn sóng bờ biển khu vực cảng nước sâu Sơn Dương do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh làm chủ dự án.

Đêm trắng tang thương

Tại hiện trường, hàng trăm tấn sắt thép của giàn giáo đổ sập hoàn toàn. Trời đổ mưa suốt đêm 25-3 khiến công tác tìm kiếm cứu nạn càng thêm khó khăn. Anh Nguyễn Văn Dân (quê Quảng Bình) nói trong nước mắt: “Giàn giáo sập quá nhanh, sắt, thép nặng chồng lên nhau nên việc tìm những công nhân đang mắc kẹt rất khó”.

Hơn 500 nhân viên cứu hộ phải dùng máy cắt bóc, cẩu từng tấm sắt để tìm người và thi thể. Tiếng máy cưa, cắt sắt vang lên trong đêm lạnh như xé lòng người chờ đợi. Những chiếc xe cấp cứu liên tục hụ còi vượt 30 km từ hiện trường đưa công nhân bị thương và tử vong về BV Đa khoa huyện Kỳ Anh. Tại đây, các y, bác sĩ được huy động tối đa để nỗ lực cứu sống những công nhân bị thương.

Vẫn còn nhiều công nhân bị thương nặng đang được cấp cứu tại BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đ.LAM

Chị Nguyễn Thị Minh (xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) ngồi ôm con khóc suốt đêm cầu nguyện cho chồng là anh Phạm Công Sơn. Tương tự, chị Yến (Diễn Châu, Nghệ An) cũng thao thức ngóng chờ chồng là anh Lâm Hữu Chín. Còn bà Trần Thị Hiểu (Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) cũng rơi nước mắt ngóng chờ tin con - Nguyễn Văn Chiến. Nhưng đến rạng sáng, chị Minh, chị Yến, bà Hiểu cùng đau đớn nhận được hung tin “đã tìm thấy thi thể anh Sơn, anh Chín, anh Chiến”.

Trời sáng dần, lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm. Tuy nhiên, lúc này hy vọng tìm được các nạn nhân sống sót đã cạn dần. Người nhà nạn nhân đến hiện trường và bệnh viện mỗi lúc một đông. Ai cũng lặng buồn, bàn tay run run thắp nén nhang tưởng niệm những công nhân xấu số.

Đáng chú ý, lúc này bắt đầu xuất hiện tình trạng xe cứu thương “hét giá” gia đình nạn nhân. Ông Phạm Ngọc Tư (chú ruột anh Sơn) ngay trong đêm 25-3 vào nhà xác BV Đa khoa huyện Kỳ Anh nhận, đưa thi thể anh Sơn về. Tuy nhiên, lái xe cứu thương ở đây hét giá “8 triệu đồng mới chở thi thể về Nghệ An”. Ông Tư phải thuê xe từ Nghệ An vào chở thi thể anh Sơn về nhà và chỉ mất 3 triệu đồng.

Giàn giáo rung lắc mạnh trước khi sập

Nhiều người may mắn thoát chết cho biết nếu người quản lý không ép buộc công nhân quay lại làm việc thì số người chết và bị thương đã không nhiều như thế.

Anh Nguyễn Văn Tài (Diễn Châu, Nghệ An), đang nằm cấp cứu tại BV Đa khoa huyện Kỳ Anh, nhớ lại: “Sau khi ăn cơm tối xong chúng tôi cùng ra công trường. Lúc đó có 54 công nhân làm việc trên giàn giáo. Một lát sau thì tai nạn xảy ra, có rất nhiều người bị vùi lấp”.

Công nhân Nguyễn Doãn Đức (quê Quảng Bình) tiếp lời: “Khi chúng tôi đang mở que hàn đấu nối thì nghe rõ tiếng rung lắc, người nghiêng hẳn. Qua ánh đèn tôi thấy một số anh em lo sợ, chạy vào cầu thang thoát hiểm. Đang chưa hiểu chuyện gì thì người chỉ huy công trình ra hiệu lệnh an toàn và chỉ đạo mọi người tiếp tục trở lại làm việc. Sau đó toàn bộ giàn giáo cao lớn đổ xuống”.

Các công nhân Phan Văn Dũng và Nguyễn Anh Dũng (cùng quê Quảng Bình) cũng khẳng định trước khi tai nạn xảy ra giàn giáo bị rung lắc rất mạnh. Thấy công nhân bỏ chạy, người chỉ huy công trình thông qua phiên dịch yêu cầu mọi người phải quay lại làm việc. Mọi người làm việc tiếp được chừng 30 phút thì gặp nạn.

Nhiều ca bị thương rất nặng

Ngay trong đêm 25-3, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH đã có mặt tại hiện trường và BV Đa khoa huyện Kỳ Anh để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu các công nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo BV Việt-Đức (Hà Nội) cử bốn bác sĩ giỏi cùng một điều dưỡng vào tăng cường cho BV Đa khoa Hà Tĩnh để kịp thời mổ cấp cứu các công nhân bị thương nặng. Sáng 26-3, Bộ Y tế tiếp tục cử hai cán bộ của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, bốn bác sĩ và điều dưỡng của BV Bạch Mai, một bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật lồng ngực của BV Việt Đức vào Hà Tĩnh.

BS Nguyễn Duy Tuyển, trưởng nhóm bác sĩ BV Việt Đức, cho biết có bốn người bị thương nặng vẫn được theo dõi sát sao. Ngoài ra, các bác sĩ tiếp tục mổ cấp cứu thêm ba ca chấn thương ngực, gãy xương… Hiện chưa chuyển nạn nhân nào lên tuyến trung ương vì quãng đường xa, các tổn thương lại nặng.

- Sáng 26-3, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập tổ điều tra gồm đại diện Công an tỉnh Hà Tĩnh, Sở Xây dựng và Sở LĐ-TB&XH tỉnh để điều tra nguyên nhân vụ sập giàn giáo. Cơ quan Công an huyện Kỳ Anh và Văn phòng CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã lấy lời khai các công nhân bị thương nhẹ để phục vụ điều tra.

- Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm những người còn đang mắc kẹt; tổ chức cấp cứu những người bị thương; phối hợp với các địa phương liên quan tổ chức an táng chu đáo những người chết. Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh phải chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân sự cố và xử lý nghiêm.

- Có mặt tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra ngay quy trình thi công lắp dựng và hạ giàn giáo; rà soát năng lực, các nhà thầu trực tiếp thi công; xem xét trách nhiệm quản lý an toàn thi công lao động của chủ đầu tư và trách nhiệm kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Tỉnh cần mở rộng phạm vi kiểm tra trên toàn bộ công trình của Công ty Formosa Hà Tĩnh, đình chỉ các hạng mục đang thi công nếu chưa đảm bảo an toàn.

- Đại diện Công ty Samsung C&T cho biết công ty nhận mọi trách nhiệm liên quan đến vụ việc. Vị này khẳng định tất cả công nhân bị thiệt mạng và bị thương đều chịu sự quản lý của nhà thầu phụ và đều được mua bảo hiểm tai nạn.

- Đến nay Công ty NIBELC đã hỗ trợ cho các gia đình có công nhân tử vong 30 triệu đồng. UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 3 triệu đồng/người chết và 2 triệu đồng/người bị thương. Phía Formosa hỗ trợ 20 triệu đồng/người chết, 10 triệu đồng/người bị thương nặng, 9 triệu đồng/người bị thương nhẹ. Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH cũng hỗ trợ 3 triệu đồng/người chết và 2 triệu đồng/người bị thương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm