Dự án sân bay Long Thành và những lần 'nói hớ' trị giá tỉ đô

Ngay khi tuyên bố dự án sân bay quốc tế Long Thành “giảm giá” của Bộ GTVT còn chưa ráo mực, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường lại lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Như vậy, đây là lần thứ ba Bộ GTVT, cơ quan chủ trì dự án, vì lý do nào đó, đưa ra thông tin chưa chính xác liên quan đến tiền đầu tư cho dự án bạc tỉ này.

Chưa ai hứa đã tự nhận có nhà đầu tư

Trong giai đoạn kêu gọi vốn đầu tư cho dự án sân bay này, tại buổi tọa đàm “Dự án sân bay Long Thành: Cơ hội và thách thức” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng ngày 17- 10-2014, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã thông tin: “Chính phủ Nhật Bản cam kết cho Việt Nam vay khoản tín dụng ODA trị giá 2 tỷ USD cho dự án sây bay quốc tế Long Thành”. Đáng nói là trước đó giữa hai bên chưa hề có một sự thỏa thuận, thống nhất nào.

 Phối cảnh dự kiến sân bay Long Thành

Ngay khi nhận thông tin này, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroyuki Hayashi, khẳng định: “Chính phủ Nhật Bản chưa quyết định gì về việc đầu tư vào sân bay Long Thành”. Ông Hayashi chỉ cho biết trong Hội nghị cấp cao Nhật Bản - Việt Nam ngày 15-12-2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng tuyên bố Nhật Bản sẽ thúc đẩy việc hợp tác với Việt Nam trong một số dự án như dự án sân bay quốc tế Long Thành. 

Vì vụ việc này, thứ trưởng Phạm Quý Tiêu đã phải gửi thư xin lỗi ngài Fukada Hiroshi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. Trong thư nhìn nhận việc nhầm lẫn trước đó là “không có lời giải thích nào thỏa đáng”.

Báo cáo viết công ty này, làm việc với công ty khác

Cùng lúc với vụ việc trên, Bộ GTVT cũng khẳng định trong báo cáo tại tọa đàm ngày 17-10 rằng tập đoàn ADPi của Pháp - một trong những công ty con của ADP, chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế - cam kết tài trợ số vốn 2 tỉ USD.

Trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT cũng từng nhắc đến cái tên tập đoàn ADPi bên cạnh những nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và bày tỏ sẵn sàng hợp tác khác như Sam Sung, Công ty cảng hàng không Incheon của Hàn Quốc….

Thế nhưng đến ngày 22-10-2014, Bộ GTVT lại phát đi thông cáo không biết ADPi là công ty nào và cũng chưa từng làm việc với ADPi về vấn đề này.

Rà soát lại, người ta mới “phát hiện” trong thông cáo báo chí của Bộ GTVT liên quan đến dự án sân bay Long Thành, công ty Aeroports de Paris Management (ADPM), đại diện cho Tập đoàn ADP, là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên bày tỏ mong muốn được tham gia và thu xếp khoản tài chính 2 tỷ USD cho dự án sân bay Long Thành.

Lần thứ 2, Bộ GTVT phải ra văn bản "đính chính" về nhà đầu tư, nói lại cho đúng giữa hai cái tên nước ngoài là ADPM và ADPi.

Dự án “giảm giá” hay phân kỳ nguồn vốn?

Dự án sân bay Long Thành và những lần 'nói hớ' trị giá tỉ đô ảnh 2

Bộ trưởng Đinh La Thăng (áo xanh nhạt) trong cuộc họp ngày 24-2-2015

Trước thông tin vốn đầu tư sân bay giai đoạn 1 “giảm” 2,6 tỉ USD (từ 7,8 tỉ USD xuống còn 5,2 tỉ USD), sau phiên họp ngày 24-2 của Bộ GTGT với sự chủ trì của Bộ trưởng Đinh La Thăng, lãnh đạo Bộ cho biết số vốn dự kiến sẽ giảm hơn 15% .

Cụ thể, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không cho biết Bộ GTVT điều chỉnh vốn giai đoạn 1, kinh phí còn khoảng 6,6 tỷ USD, giảm hơn 1,2 tỷ USD so với báo cáo Quốc hội lần trước. Đây là con số dự kiến sẽ đem ra báo cáo trong phiên họp Quốc hội ngày 26-2.

Tuy vậy, đến sáng 26-2, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chính thức báo cáo tại phiên họp 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  vốn xây sân bay giai đoạn 1 lại giảm thêm “một chút”. Cụ thể là giảm đến…2,6 tỉ USD. Lý do của việc “giảm giá” là do trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, khái toán chi phí được lập trên cơ sở suất đầu tư nên độ chính xác chưa cao.

Chưa kịp mừng vì giá thành của dự án tỉ đô này giảm nhẹ, đồng nghĩa với việc món nợ phải gánh sẽ bớt đi, thì tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường lại phản bác không có chuyện giảm chi phí dự án mà đó chẳng qua là sự phân kỳ đầu tư. Cụ thể, Bộ GTVT chỉ phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 thành 1A và 1B và số vốn 5,2 tỉ USD đó là chi cho giai đoạn 1A.

 Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lời chính thức trên Pháp Luật TP.HCM ngày 4-3: “Việc tính toán nguồn vốn đầu tư xây dựng không có gì thay đổi. Còn về đất, đây không phải là vấn đề điều chỉnh (giảm từ 5.000 ha xuống còn 2.750 ha - TS ghi chú) mà là tách sân bay dân sự và đất quốc phòng, quy hoạch ban đầu cũng không có gì thay đổi”.

Tóm gọn lại, tổng số vốn khái toán của sân bay Long Thành vẫn giữ nguyên 18,7 tỉ USD chứ không bớt đi 1 USD nào.

Chỉ trong thời gian ngắn, các lãnh đạo Bộ GTVT đã phải nói đi nói lại nhiều lần về việc “tiền nong” của dự án. Với kiểu thông tin “không chính xác” nhiều lần như vậy, không biết là sẽ còn bao nhiêu lần người dân phải thấp thỏm khi nghe đến cụm từ “sân bay Long Thành” trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm