Quốc tế tham gia tìm kiếm, điều tra

Công tác tìm kiếm máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 chở 239 người bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) bị mất tích trên biển Đông rạng sáng 8-3 vẫn đang diễn ra hết sức khẩn trương.

Máy bay từng bị gãy cánh

Báo New Strait Times (Malaysia) đưa tin tại Malaysia, ngày 9-3, Bộ Quốc phòng xác nhận thông tin rò rỉ dầu từ Việt Nam là có thật dù không phát hiện mảnh vỡ máy bay tại khu vực được cho là máy bay rơi.

Tại cuộc họp báo cùng ngày, hãng hàng không Malaysia Airlines bác bỏ thông tin cho rằng có phi công đã liên lạc với chiếc máy bay trước khi mất tích.

Hãng cho biết chiếc máy bay bị mất tích đã từng bị gãy cánh vào năm 2012 sau vụ va chạm với một máy bay khác nhưng đã được Boeing sửa chữa và bảo đảm an toàn để đưa vào hoạt động.

Cơ quan khí tượng cho hay vào thời điểm máy bay cất cánh từ lúc nửa đêm đến 3 giờ sáng 8-3, thời tiết không có biến động đáng kể dù trước đó cơ quan này có đưa ra cảnh báo có gió mạnh và biển động tại Sabah và Sarawak (không thuộc khu vực máy bay bị mất tích).

Bộ trưởng Truyền thông Datuk Seri Ahmad Shabery Cheek lên tiếng cảnh báo người dân cần chọn lọc thông tin trên mạng Internet về vụ máy bay mất tích. Ông nói nhiều lời đồn trên mạng chưa được xác minh.

 
Tàu tuần tra Malaysia tìm kiếm máy bay mất tích ngày 9-3. Ảnh: AP 

Phối hợp với quốc tế điều tra

Ngày 9-3, chỉ huy trưởng không quân Malaysia cho hay theo tín hiệu của radar quân sự thì máy bay nói trên có thể bị lạc hướng hoặc cố quay lại. Cảnh sát thông báo đã phối hợp với các cơ quan tình báo quốc tế điều tra vụ việc.

Tổng thanh tra cảnh sát Tan Sri Khalid Abu Bakar ghi nhận cảnh sát đang thu thập thông tin từ các bên liên quan. Ông cho rằng tấn công khủng bố có thể không phải là nguyên nhân dẫn đến vụ máy bay mất tích nhưng cũng không loại trừ khả năng này.

Ông kêu gọi mọi người không nên đồn đoán về danh tính hành khách sử dụng hộ chiếu giả lên máy bay. Ông nói sẽ tiến hành điều tra các nhân viên xuất nhập cảnh và các nhân viên tại quầy vé để tìm ra nguyên nhân vì sao hai hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cắp lên được máy bay.

Bộ trưởng Nội vụ Datuk Seri Zahid Hamidi cho biết sẽ công bố kết quả điều tra ngay khi hoàn tất.

Bộ trưởng Quốc phòng Datuk Seri Hishammuddin Hussein thông báo sẽ phối hợp với các cơ quan tình báo và các cơ quan chống khủng bố nước ngoài để tiến hành điều tra bốn cái tên trong danh sách hành khách và xem xét toàn bộ danh sách hành khách.

Thủ phạm là khủng bố Duy Ngô Nhĩ?

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin an ninh Malaysia cho biết bốn người này gồm hai người đàn ông sử dụng hộ chiếu đánh cắp có tên Luigi Maraldi (người Ý) và Christian Kozel (người Áo).

Báo Telegraph (Anh) dẫn thông tin từ hãng hàng không Trung Quốc China Southern Airlines (bán vé cho chuyến bay mất tích) cho biết hai người đàn ông này đi với nhau vì vé mang số gần nhau lần lượt là 7842280116099 và 7842280116100.

Báo dẫn lời một chuyên gia hàng không giấu tên cho biết xác suất hai người đàn ông châu Âu sử dụng hộ chiếu đánh cắp đi cùng một chuyến bay rất nhỏ, chỉ 1/1.000.000. Điều này càng dấy lên nghi ngờ máy bay mất tích có liên quan đến khủng bố.

Báo USA Today (Mỹ) đưa tin một quan chức FBI cho biết FBI đang điều tra khả năng có khủng bố trong vụ máy bay mất tích.

Các nguồn tin an ninh Malaysia cho biết không loại trừ thủ phạm là bọn cực đoan người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) vì hai lý do: Máy bay chở nhiều hành khách Trung Quốc và thời điểm máy bay mất tích diễn ra sau vụ tấn công khủng bố ở ga tàu hỏa Côn Minh (tỉnh Vân Nam) chỉ một tuần.

Malaysia từng trục xuất nhiều người Duy Ngô Nhĩ vì sử dụng hộ chiếu giả trước đây. Tỉnh trưởng Vân Nam Lý Kỷ Hằng cho biết hiện tại không có thông tin nào cho thấy có liên hệ giữa vụ tấn công khủng bố ở Côn Minh với vụ máy bay Malaysia mất tích.

DUY KHANG - LÊ LINH

 

Hơn 40 tàu và 22 máy bay tìm kiếm

Ngày 9-3, nhiều nước đã điều động máy bay, tàu và thiết bị hỗ trợ Malaysia tìm kiếm máy bay xấu số. Tổng cộng có hơn 40 tàu và 22 máy bay tham gia chiến dịch tìm kiếm. Lầu Năm Góc đã điều động tàu khu trục hải quân Pinckney chở theo hai máy bay trực thăng, một máy bay giám sát P-3C Orion. Trung Quốc cử hai tàu chiến Tỉnh Cương Sơn và Miên Dương. Úc điều động hai máy bay giám sát PC3-Orion trang bị hệ thống radar Cencus. Không quân và hải quân Singapore cử hai máy bay C-130, một máy bay trực thăng hải quân cùng hai tàu khu trục bao gồm tàu khu trục RSS Steadfast, một tàu cứu hộ và các thiết bị khác hỗ trợ. Indonesia thông báo sẽ điều động năm tàu. Philippines đã cử ba tàu tuần tra và một máy bay giám sát.

Quốc tế tham gia tìm kiếm, điều tra ảnh 2

Nhân viên cứu hộ cầu nguyện cho hành khách chuyến bay mất tích tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 9-3. Ảnh: REUTERS

Đặc vụ Mỹ tham gia điều tra

Báo The Star (Malaysia) ngày 9-3 đưa tin theo một quan chức thi hành luật liên bang Mỹ, các nhân viên FBI Mỹ sẽ hỗ trợ xem xét tất cả đoạn băng tại sân bay Kuala Lumpur cùng hình ảnh hành khách tại quầy đăng ký vé, các khu vực an ninh và cả trên máy bay.

Các đặc vụ Mỹ sẽ sử dụng công nghệ chống khủng bố để tìm kiếm khả năng liệu có liên quan đến tổ chức khủng bố Al Qaeda hay tổ chức khủng bố khác.

Cục An toàn vận tải quốc gia Mỹ, Cục Hàng không liên bang Mỹ cùng đại diện Tập đoàn Boeing đã cử nhân viên đến Malaysia hỗ trợ điều tra. Cục An toàn vận tải quốc gia Mỹ cho hay sẽ quyết định nước nào cầm đầu cuộc điều tra một khi xác định được vị trí máy bay.

Hai hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cắp lên máy bay được cho là có quốc tịch Ý và Áo. Tuy nhiên, Bộ An ninh nội địa Mỹ khẳng định việc đánh cắp hộ chiếu chưa hẳn là khủng bố và có khả năng họ chỉ là kẻ trộm hoặc đơn giản mua hộ chiếu từ chợ đen.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm